Nâng 'chất' để tăng giá trị lúa gạo
Đà Nẵng: Kiểm tra đột xuất 3 địa điểm, tạm giữ gần 3.500 sản phẩm thuốc lá điện tử, người mua chủ yếu là học sinh / Miễn giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020-2021. Chất lượng lúa vụ này cao hơn hẳn so với vụ trước nhờ rút ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với xâm nhập nhập mặn từ vụ Đông Xuân 2019-2020.
Kỳ vọng "được mùa - được giá"
Ước tính, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, giá lúa gạo Đông Xuân đang được thu mua ở mức cao từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, riêng lúa thơm nhiều loại có giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, cao hơn 1.500 - 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2019-2020.
Ngành lúa gạo tái cơ cấu để tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường thế giới. |
Xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn tương đương năm 2020 bởi dự báo của nhiều cơ quan cho thấy, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới không thay đổi, tổng số lượng cũng không có biến động lớn. Có một xu hướng mới trong năm nay là nhiều loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam tìm được nhiều cơ hội ở các thị trường khó tính như Anh, EU, Hàn Quốc.
Theo thống kê từ Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, đạt kim ngạch 336,18 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% về kim ngạch.
Tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.
Lý giải nguyên nhân giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao, ông Tùng cho rằng, do có nhiều điều kiện thuận lợi như chất lượng giống tốt, nhu cầu của thế giới tăng cao bởi tác động của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu.
Vì vậy, trong chiến lược phát triển lúa gạo của Việt Nam, Bộ NN&PTNT xác định sẽ đẩy mạnh sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao, từng bước chiếm ưu thế trong cơ cấu giống lúa ở Việt Nam.
"Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển các loại giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng đạt năng suất cao để cạnh tranh tốt với gạo của Campuchia, Thái Lan cũng như Ấn Độ", ông Tùng nhấn mạnh.
Tập trung phát triển chất lượng gạo
Theo dự báo, năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo toàn cầu ước đạt 45 triệu tấn. Các thị trường chính của Việt Nam như Philippines, EU, Ghana... dự báo sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu. Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo trong năm 2021.
Tuy nhiên, làm thế nào để gạo Việt Nam vào sâu được các thị trường khó tính? Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phản ánh thị trường EU quy định phải có xác nhận cơ quan nhà nước về gạo thơm trồng tại Việt Nam mới được hưởng thuế suất ưu đãi. Trong Nghị định, Cục Trồng trọt chỉ định một đơn vị để cấp giấy xác nhận, tuy nhiên điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
"Gạo thơm đạt chất lượng cao hay vùng trồng này có trồng đúng gạo thơm hay không thì từng địa phương nắm rất rõ. Vậy, tại sao lại phải chỉ định thêm một đơn vị làm điều này?", ông Bình nêu vấn đề.
Mặt khác, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân đề xuất, để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam cần phải tập trung phát triển chất lượng gạo để có thể truy xuất nguồn gốc. Theo đó, Bộ NN&PTNT cần phải có chủ trương xây dựng ngành lúa gạo theo chuỗi giá trị như xây dựng HTX kiểu mới, khuyến khích bà con nông dân tham gia HTX và được đào tạo bài bản, HTX phải liên kết chặt chẽ với DN có đầu ra chứ không phụ thuộc vào thương lái đi thu gom từ nông dân. Có như vậy, DN tới đây sẽ có vùng nguyên liệu bảo đảm xuất xứ rõ ràng và chất lượng vượt trội.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030. Theo đó, về xuất khẩu gạo, mục tiêu đến năm 2025 đạt 5 triệu tấn, trong đó gạo thơm, đặc sản, japonica chiếm 40%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%, tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 20%.
Đến năm 2020, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, trong đó gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%.
Điểm đáng chú ý của đề án là sản lượng xuất khẩu gạo giảm dần theo từng thời kỳ, song các chỉ tiêu về gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, sản phẩm chế biến từ gạo, tỷ lệ gạo có thương hiệu đều tăng dần qua các năm. Điều này thể hiện rõ hướng đi của ngành lúa gạo thời gian tới là giảm diện tích, sản lượng xuất khẩu để tập trung nâng cao chất lượng và giá bán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo