Thuế tự vệ với phân bón đang bảo vệ lợi ích cho ai?
Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hợp tác Việt Nam – Slovenia trong lĩnh vực cơ khí / PMI ngành sản xuất Việt Nam có sự cải thiện nhanh nhất trong ASEAN
Ngày 24/2/2021, trước diễn biến tăng giá bất thường của các mặt hàng phân bón sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong đó đặc biệt là phân DAP nhập khẩu, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để phản ánh về vấn đề này.
"Cơn khát" DAP
Ông Hải cho biết, để bảo trợ cho các nhà máy sản xuất trong nước (chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai), ngày 2/3/2018, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ và thuế nhập khẩu đang thực sự phản tác dụng. Phân DAP trong nước khan hiếm khiến giá tăng vọt làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, người chịu thiệt hại cuối cùng là nông dân.
Giá phân bón DAP tăng chóng mặt trong những tháng đầu năm 2021. |
Từ tháng 12/2020, do giá thế giới tăng: tàu biển khan hiếm, giá cước container tăng cao gấp 3-5 lần trước đó cộng với hàng rào kỹ thuật từ biện pháp tự vệ khiến giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến. Hiện tại, tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng 0, trong khi nhu cầu vụ Xuân - Hè đang đến gần khiến giá bán tại Việt Nam tăng gần như "thẳng đứng".
Trước tình hình khẩn cấp như vậy, để có đủ nguồn DAP phục vụ cho vụ Xuân - Hè (vụ sản xuất lớn nhất tại thị trường phía Nam) đang tới gần, Vinacam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời huỷ bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu bổ sung cho nhu cầu tại Việt Nam để các giao dịch nhập khẩu có thể trở lại từ đầu tháng 3/2021.
"Ngoại trừ yếu tố khách quan giá thế giới tăng, Vinacam bảo lưu và chịu trách nhiệm về báo cáo của mình với Chính phủ khi nhận định lượng tồn kho DAP nhập khẩu trong nước đang ở mức thấp nghiêm trọng. Tại ngày 1/3/2021, tổng DAP tồn kho của Vinacam là 512 tấn so với 22.671 tấn cùng kỳ năm 2020", ông Hải thông tin.
Đáng chú ý, trong văn bản báo cáo Chính phủ ngày 24/2, Vinacam ghi nhận giá bán DAP Đình Vũ tại chợ đầu mối TP.HCM là 10.400.000 đồng/tấn; tuy nhiên ngày 3/3 đã lên 11.200.000 đồng/tấn và vẫn có chiều hướng tăng. Giá DAP xanh Trung Quốc ngày 3/3 đã tham chiếu mức 565-570 USD/tấn FOB và không ai có thể dự đoán tương lai sẽ tiếp tục lên mức nào. Trong khi đó, Ấn Độ buộc phải mở thầu mua trong thời gian tới, đồng nghĩa "cơn khát" DAP trên toàn thế giới chưa có điểm dừng.
Và với giá FOB như trên, cộng cước vận chuyển, thuế nhập khẩu, thuế phòng vệ thương mại, các loại phí liên quan, giá vốn hàng nhập khẩu về tới TP.HCM đã lên xấp xỉ 16.000.000 đồng/tấn.
Đáng chú ý, về thông tin phản hồi sản xuất DAP cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu, không hề khan hiếm, ông Hải cho biết ngày 25/2/2021, Vinacam có công văn đề nghị mua 15.000 tấn DAP Đình Vũ và 15.000 tấn DAP Lào Cai. Tuy nhiên, chỉ DAP Đình Vũ có phản hồi tích cực nhưng chỉ có thể duyệt bán cho Vinacam 2.000 tấn với giá 10.646.000 đồng/tấn, thời gian giao hàng dự kiến từ 19/3/2021.
"Riêng DAP Lào Cai hoàn toàn không có hồi âm! Nếu dư nguồn, tại sao các nhà máy không tích cực bán ra để bình ổn thị trường ngăn đà tăng chóng mặt cả của phân DAP sản xuất trong nước và DAP nhập khẩu hiện nay?", ông Hải nêu vấn đề.
Trong nước khan hiếm, vì sao vẫn xuất khẩu?
Trong khi đó, phản ánh với Kinh Doanh, ông Nguyễn Đức An Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam chuyên kinh doanh phân bón có trụ sở tại TP.HCM, dẫn ra hàng loạt số liệu về sự bất cập của ngành phân bón.
Cụ thể, báo cáo thường niên ngành phân bón của AgroMonitor năm 2020 cho thấy, tổng lượng sản xuất phân DAP tại Việt Nam là 368.000 tấn vào năm 2019 và 391.000 tấn vào năm 2020. Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê hải quan, sản lượng xuất khẩu DAP từ Việt Nam có nguồn gốc từ 2 nhà máy DAP Vinachem trong năm 2020 đạt hơn 127.000. Với việc đẩy mạnh xuất khẩu như vậy, lượng hàng còn để tiêu thụ trong nước trong năm 2020còn khoảng 264.000 tấn.
Để bù vào lượng thiếu hụt DAP trong nước, trong năm 2020, Việt Nam cần nhập khẩu 678.000 tấn, với thuế phòng vệ trong năm 2020 ở mức 1.050.662 đồng/tấn, tính ra người nông dân Việt Nam gánh số thuế phòng vệ 711 tỷ đồng để sử dụng phân bón ngoại nhập, trong khi hàng trong nước được bảo hộ lại xuất khẩu sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc. Như vậy khác nào chính sách Nhà nước Việt Nam đưa ra để có lợi cho nông dân nước ngoài?
Đáng chú ý, ông Sơn cho hay, được sự bảo hộ của Nhà nước, các nhà máy DAP trong nước lại xuất khẩu 21.643 tấn DAP trong tháng 1/2021 và 20.000 tấn trong tháng 2/2021. Giá xuất khẩu đều thấp hơn giá DAP Vinachem bán trong tháng 1/2021 tại thị trường nội địa Việt Nam. Do đó, chính sách áp thuế phòng vệ lên DAP chỉ để cho các nhà máy này xuất khẩu và không đem lợi lại cho người nông dân Việt Nam.
Vào thời điểm đầu tháng 3/2021, giá chào từ Trung Quốc về Việt Nam đã ở mức 585 USD/mt CFR Hồ Chí Minh và từ Nga là 600 USD/mt CFR Hồ Chí Minh cho mặt hàng DAP 18-46-0, hàng xá chưa đóng bao. Với thuế nhập khẩu 6% và thuế phòng vệ 45 USD/tấn và chi phí đóng bao 15 USD/tấn, giá hàng Trung Quốc giao tại cảng đã lên tới 15.600.000 đồng/tấn (giá chi phí của nhà nhập khẩu chưa tính lợi nhuận).
Theo ông Sơn, với tình hình giá này không cách gì người nông dân chịu nổi. Với giá cả thế giới ngày càng tăng cao như vậy, các nhà máy DAP trong nước nên tập trung cung cấp cho thị trường nội địa thay vì xuất khẩu phần lớn sản lượng.
"Giá DAP Đình Vũ tại thị trường TP.HCM ngày 4/3 đã lên 11.200.000 đồng/tấn và DAP của Đức Giang đã được chào giá 14.000.000 đồng/tấn. Giá thay đổi theo từng ngày. Do đó, rất cần thiết bù đắp bằng một lượng hàng trong nước lẫn nhập khẩu để bình ổn giá trong nước", ông Sơn nói.
Đại diện Công ty TNHH Richfarm Việt Namkiến nghị Bộ Công Thương xem xét cấp hạn ngạch nhập khẩu phân DAP từ các thị trường như Nga, Hàn Quốc, Úc... Theo đó, "điều này sẽ dung hòa được lợi ích của các bên liên quan cũng như chấm dứt lo ngại phân bón Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam gây thiệt hại tới ngành sản xuất trong nước nếu bỏ hẳn thuế tự vệ".
Các DN nhập khẩu dự báo, nếu không có giải pháp căn cơ, tình hình giá phân DAP ở mức cao sẽ tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí sản xuất nông nghiệp, sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Trong khi đó, thông tin trên báo chí, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương sẽ có đánh giá tác động, bao gồm cả tác động cung cầu. Riêng phân bón DAP sẽ xem xét tổng thể thông tin, trong đó có những thông tin liên quan đến việc giá thế giới tăng, nguồn cung khan hiếm mà doanh nghiệp cung cấp.
"Chúng tôi phải xác minh thông tin có đúng không, từ số liệu nhập đến chi phí sản xuất cho bán hàng…", đại diện Cục Phòng vệ thương mại nói.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP/MAP nhập khẩu có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00. Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp nhận Hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP/MAP nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông