Thị trường

Năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam còn thấp

DNVN - Nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, vừa cấp bách, vừa chiến lược, năng lực cạnh tranh thấp. Chi phí đầu vào cao trong khi giá bán thấp dẫn đến tỷ lệ giá trị tích lũy nhỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp / Hà Tĩnh chuyển đổi số nông nghiệp

Sáng 16/11, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ để: “Nông nghiệp sinh thái – Phương pháp tiếp cận chuyển đổi bền vững tích hợp đa gia trị của hệ thống nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam”.
Hội thảo diễn ra sáng ngày 16/11.
Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong ba thập kỷ qua, góp phần đưa đất nước từ tình trạng thiếu đói trầm trọng thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tuy vậy, mô hình phát triển phụ thuộc nhiều vào phương thức thâm canh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến suy thoái đất, nước và đa dạng sinh học nghiêm trọng, cũng như gia tăng các nguy cơ về thiên tai và dịch bệnh. Để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, lâu dài và bền vững chắc chắn Việt Nam phải chuyển đổi sang mô hình phát triển mới tích hợp quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam sẽ chuyển đổi hệ thống lương thực để trở thành nhà cung cấp lương thực minh bạch, có trách nhiệm và bền vững cho người dân và thị trường quốc tế. Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng đã đặt ra định hướng chiến lược mới cho nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng tới “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại – Nông dân thông minh”.
GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám Đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái là một hướng đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức các tác nhân trong hệ thống thực phẩm và cần có các chính sách để thúc đẩy quá trình này từ cấp địa phương đến cấp quốc gia.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại dịch COVID-19 một lần nữa cho chúng ta thấy nông nghiệp giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế.
Nông nghiệp không chỉ là “bệ đỡ” khi kinh tế bất ổn mà còn tạo nền tảng phát triển cho công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với bất ổn và các cú sốc.
“Mặc dù vậy, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, vừa cấp bách, vừa chiến lược, năng lực cạnh tranh thấp. Chi phí đầu vào cao trong khi giá bán thấp dẫn đến tỷ lệ giá trị tích lũy vô cùng nhỏ. Tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học suy kiệt. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là hậu quả của mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, thâm canh quá mức. Có thể nói, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái gắn với tích hợp đa giá trị là một giải pháp toàn diện đối với các thách thức kể trên”, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện tổ chức FAO cho biết: Từ năm 2014, FAO đã đề xướng và huy động các tác nhân tham gia thực hiện chuyển đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái.
“FAO đã xây dựng hệ thống đánh giá thực hành nông nghiệp sinh thái. Đây là một bộ công cụ hữu hiệu đáp ứng mục đích phân tích, xây dựng và đánh giá thực hiện chính sách chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của các hệ thống nông nghiệp ở mọi cấp độ mà Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng”, ông Rémi Nono Womdim đề xuất.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm