Ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần
Nguy cơ gạo Việt Nam bị cạnh tranh tại thị trường truyền thống / Xuất siêu quý I/2024 đạt hơn 8 tỷ USD
"Kể từ ngày 1/7, khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng, phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển trong ngày không quá 20 triệu đồng, ngân hàng sẽ yêu cầu người thực hiện giao dịch xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay. Tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng CCCD gắn chip, tài khoản VNeID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu ngân hàng)", nội dung của Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của NHNN nêu rõ.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), thời gian qua, không ít người dân đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của bọn lừa đảo rất tinh vi, tự xưng là cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông... rồi đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link có mã độc. Sau đó, tin tặc vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy sạch tiền trong tài khoản.
“Việc chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần thì xác thực bằng mã OTP. Còn chuyển tiền trên 10 triệu đồng, bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay, người giao dịch còn phải xác thực khuôn mặt. Mục đích nhằm đảm bảo đúng là chính chủ đang chuyển tiền”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Ngoài ra, khi tổng số tiền chạm mức 20 triệu, đến lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng, người giao dịch phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.
Như vậy, với quy định mới có hiệu lực, nếu khách hàng bị kẻ gian lấy tiền trong tài khoản thì tối đa bị mất là 20 triệu đồng. “Sau đó, họ không thể bị mất được nữa dù đối tượng phạm tội có chiếm cả quyền điều khiển điện thoại của chủ tài khoản. Vì xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật chứ không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Người chuyển tiền phải soi khuông mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để đảm bảo đây là hình ảnh sống. Và khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an quản lý”, đại diện NHNN cho biết.
Mới đây, dư luận xôn xao về chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu có tiếng trong giới tài chính, ngân hàng cũng bị tin tặc lấy cắp gần nửa tỷ đồng trong tài khoản. Trước vụ việc mất tiền trong ngân hàng diễn ra liên tiếp gần đây, ông Nguyễn Trí Hiếu đã bày tỏ nghi ngờ về lỗ hổng bảo mật thông tin của các ngân hàng Việt.
"Cùng với ngân hàng rà soát lại hệ thống, tôi đã phát hiện đối tượng xấu sử dụng giao dịch Internet Banking (dịch vụ ngân hàng trực tuyến), cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và mạo danh tôi 2 lần để yêu cầu ngân hàng cung cấp mật khẩu mới", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, sau khi kẻ lừa đảo mạo danh ông, hệ thống ngân hàng đã gửi tin nhắn mã OTP vào số điện thoại của ông Nguyễn Trí Hiếu nhưng thực tế lại có một người khác có số điện thoại trùng khớp với TS Hiếu nhận được mã OTP này. Còn điện thoại của vị chuyên gia lại không hề nhận được tin nhắn mã OTP. Sau khi có trong tay mã OTP, đối tượng xấu đã đổi lại mật khẩu tài khoản ngân hàng và nhanh chóng thực hiện hành vi rút tiền.
“Hiện tôi đã làm đơn trình bày sự việc lên cơ quan công an nhưng tới nay chưa có kết quả. Thời gian tới, tôi sẽ viết đơn kêu cứu lên NHNN; đồng thời, khởi kiện ngân hàng ra tòa án nhằm lấy lại số tiền đã mất", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh