Xuất siêu quý I/2024 đạt hơn 8 tỷ USD
GDP quý I tăng 5,56% / Nguy cơ gạo Việt Nam bị cạnh tranh tại thị trường truyền thống
Tổng cầu thế giới quý I/2024 duy trì xu hướng phục hồi từ quý IV năm ngoái. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng từ mức 0,2% năm 2023 lên 2,3% năm 2024 và IMF nhận định tăng trưởng thương mại thế giới đạt 3,3% năm 2024.
Trong nước, kế hoạch sản xuất của một số doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động xuất khẩu như: Samsung và Intel… đặt kế hoạch năm 2024 sản xuất tăng trưởng dương.
Theo đó, kết quả hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam quý I/2024 đạt kết quả tích cực. Đây là điểm sáng của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính trong quý I/2024 có đến 35/45 (đạt 77,8%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm đến 91,3% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: cà phê tăng 54,2%, hạt điều 20,2%, rau quả 25,8%, gạo 40%.
Về thị trường, đều có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cụ thể như sau: Trung Quốc tăng 5,2%, Mỹ 26%, Nhật Bản 6,4%, EU 16,3%...
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2024 ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD, cao hơn nhiều mức xuất siêu 4,93 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục thống kê, có được kết quả như trên nhờ sự nỗ lực của Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam ngày càng được thế giới tin dùng.
Bên cạnh đó cũng có thể thấy xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam cũng đã bắt đầu phục hồi, đây cũng là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.
Kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định. Mặc dù các kết quả trong quý I/2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn.
Những khó khăn, thách thức tiềm ẩn còn thể kể đến như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động. Các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững.
Năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn như Mỹ, EU, Nga, Ấn Độ. Tình trạng nắng nóng gay gắt trên diện rộng do hiện tượng El Nino gây sức ép về bảo đảm cung cấp đủ điện...
Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian tới, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu cũng như chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước...
End of content
Không có tin nào tiếp theo