Thị trường

Ngân hàng 'sale off' đến 40% vẫn khó bán tài sản thế chấp

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề gặp khó do tác động mạnh bởi dịch Covid-19, việc người dân và các doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ cũng như các ngân hàng phải rao bán tài sản đảm bảo là tình trạng được dự báo từ trước.

Ngân hàng Bản Việt cộng đến 0,5% lãi suất tiền gửi cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ AIA / Giá vàng cao kỷ lục hơn 59 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

no-xau-1796-1599461428.jpg

Các ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu, nhưng đang gặp khó khăn trong bán tài sản đảm bảo.

Câu chuyện xử lý tài sản đảm bảo là nợ xấu của các ngân hàng được nói đến nhiều trong thời gian qua, nhưng tốc độ xử lý nợ xấu dường như chưa được giải quyết như mong muốn, dù ngân hàng đã có chính sách kích cầu thị trường như giảm giá lên đến 40%. Việc tìm kiếm được khách hàng mua tài sản đảm bảo là vô cùng khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Rầm rộ bán bán tài sản đảm bảo

Thay vì tập trung vào bất động sảnnhư lâu nay, các tài sản đảm bảo được nhà băng rao bán hiện khá đa dạng.Nguyên nhân trực tiếp là đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất - kinh doanh và suy thoái sức cầu khiến thu nhập của một bộ phận doanh nghiệp sụt giảm, khả năng chi trả khoản vay bị ảnh hưởng và buộc phải chấp nhận để ngân hàng phát mãi tài sản.

Đơn cử, VietinBank chi nhánh Hưng Yên mới đây thông báo bán khoản nợ của CTCP Đầu tư Royal Việt Nam với tổng dư nợ gần 98,7 tỷ đồng, gồm 71 tỷ đồng nợ gốc, 20,4 tỷ đồng nợ lãi trong hạn và 7,3 tỷ đồng nợ lãi quá hạn.Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là toàn bộ máy móc, thiết bị và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tổng diện tích đất thuê là 122.434 m2; đất thuê trả tiền hằng năm, thời gian thuê từ 13/5/2010 - 15/10/2028.

BIDV chi nhánh Long Biên cũng vừa thông báo đấu giá tài sản là tàu Ocean Queen lần 8.Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra trong lần đấu giá này là gần 194 tỷ đồng. Đáng chú ý, trước đó, hồi cuối năm 2019, BIDV thông báo bán đấu giá con tàu này với giá khởi điểm lên tới 300,65 tỷ đồng.

 

Ngày 4/9 vừa qua, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn đã rao bán loạt căn hộ hạng sang tại chung cư cao cấp Saigon Pearl (TP.HCM) như căn hộ số 4.1, diện tích 98,5m2 với giá khởi điểm 5,078 tỷ đồng, thấp hơn 2 tỷ đồng so với thời điểm rao bán lần đầu cách đây 3 tháng.

Ngoài ra, nhiều tài sản đảm bảo khác như vật liệu, tàu cá… cũng được nhiều ngân hàng rao bán. Đơn cử như VPBank mới đây thông báo bán đấu giá tài sản là 10 cuộn thép không gỉ, đơn giá từ 9.500 - 19.000 đồng/kg, với tổng mức giá khởi điểm hơn 400 triệu đồng.

Vietcombank chi nhánh Nghệ An cũng ra thông báo lựa chọn đơn vị đấu giá tài sản là 1 tàu cá vỏ gỗ của Công ty TNHH MTV Đóng tàu thuyền Hải Châu - Khối 2, phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi phát mại tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng và tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn, Bình Định.

Tạo sức cầu mới

Trên thực tế, thời gian qua đã có hàng trăm tài sản đảm bảo của khách hàng thế chấp vay vốn được các ngân hàng rao bán để thu hồi nợ xấu, nhưng thanh khoản trên thị trường rất thấp. Bởi vậy, để kích cầu thị trường, các nhà băng liên tục giảm giá, tuy nhiên vẫn không nhận được sự quan tâm của khách hàng.

 

Trong đó, một nguyên nhân chính đến từ việc các tài sản đảm bảo này mặc dù đã giảm giá nhưng vẫn chưa sát với giá trị thực, do ban đầu được định giá quá cao. Khi bán nợ xấu, các ngân hàng thường tính đến cả số tiền gốc lẫn lãi, trong khi những tài sản đảm bảo sau một thời gian dài thường không còn giá trị như ban đầu.

Trong một số trường hợp, mặc dù người mua vẫn có cơ hội mua được tài sản phát mãi với giá tốt, nhưng do tài sản hoặc một phần tài sản lại đang thuộc diện tranh chấp, có thể mang lại nhiều rủi ro cho người mua, nên họ không mặn mà.

Về giải pháp, hầu hết các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, cần tăng tổng cầu thì mới mong xử lý khối nợ xấu này. Vì vậy, phải tạo sức cầu mới, trong đó sớm ban hành cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý nợ xấu.

"Một trong những lý do chính khiến việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 chưa có hiệu quả cao là do chưa có thị trường mua bán nợ. Bởi khi có thị trường mua bán nợ, thanh khoản sẽ tốt hơn, nhiều người mua bán tập trung lại thì hoạt động mua bán nợ mới sôi động được. Một thị trường mua bán nợ là rất cần thiết để xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu", một chuyên gia khẳng định.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần sớm luật hoá Nghị quyết 42, để Nghị quyết trở nên mạnh mẽ hơn. Theo đó, nhiều quy định hiện nay khi triển khai phải dựa vào nhiều bộ luật, mà giá trị pháp lý thậm chí quy định còn cao hơn cả Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam, nên rất khó cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng khi triển khai mua bán nợ xấu.

 

Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, xu hướng phát mãi tài sản dự kiến sẽ còn mạnh hơn, việc sớm cụ thể hóa hơn các cơ chế về bán tài sản đảm bảo được coi là "liều thuốc kháng nợ xấu" cho ngành ngân hàng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm