Thị trường

Ngành bán lẻ tìm thấy tương lai trong đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến ngành bán lẻ "căng mình" để đảm bảo nhu cầu cho người tiêu dùng, kéo theo đó là rất nhiều khó khăn về vận chuyển, cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng là lúc nhiều mô hình bán lẻ độc đáo được ra đời, đây chính là tương lai của ngành bán lẻ.

Nông sản "kêu cứu" mùa dịch / Chứng khoán ngày 27/8: Khối ngoại vẫn bán ròng VJC, PNJ, HPG, GMD

Nhu cầu tăng mạnh, trong khi hạn chế về nhân lực đang khiến các siêu thị ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội rơi vào tình cảnh quá tải. Trước bối cảnh trên, nhiều mô hình "siêu thị không người bán" ra đời đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mô hình này không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch mà nó còn bắt kịp xu hướng phát triển của ngành bán lẻthế giới.

Xuất hiện chợ di động, chợ không người bán...

Anh Nguyễn Hoàng Kiệt, đại diện chuỗi "siêu thị không người bán" trên tuyến phố Triều Khúc, Thượng Đình (TP.Hà Nội) chia sẻ: Ý tưởng trên được phát triển từ mô hình gian hàng không người bán ở Nhật Bản, phù hợp trong thời điểm TP.Hà Nội đang giãn cách xã hội. Gian hàng không có nhân viên phục vụ, chỉ có khách hàng trong quầy, hạn chế tiếp xúc đông người.

Sieu-thi-khong-nguoi-ban-2757-1629965348

Người tiêu dùng tự bỏ tiền vào hộpkhi mua sắm tại siêu thị không người bán.

Tương tự, Đại diện Grove Fresh - chủ "siêu thị thông minh" ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, cũng chia sẻ toàn bộ khâu bán hàng, thanh toán của siêu thị này được vận hành qua hệ thống camera, không tiếp xúc. Điều này khuyến khích phát triển thanh toán không tiền mặt, không tiếp xúc.

Ông Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ Công tác 970 về kết nối tiêu thụ nông sản phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết trước nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh với nông sản combo - ý tưởng mà Tổ đưa ra. Bộ NN&PTNT đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh ưu tiên triển khai chương trình "Combo nông sản 10kg/túi".

Ông Nam nhìn nhận, qua các ứng dụng mạng xã hội sẵn có như Zalo, Facebook, Email.. người mua và bên cung ứng tự kết nối thực hiện giao dịch mua bán sẽ giảm được áp lực của cơ quan chức năng trong cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Hay mới đây, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cũng cho biết, đang tiếp nhận đơn đăng ký tham gia khóa tập huấn bán hàng online, livestream thứ 3. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP.

"Chợ đêm trên mây" được kỳ vọng là dịp để các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ nội bộ, tiêu thụ chéo giữa các nhóm hàng hóa của nhau. Đồng thời, giới thiệu và bán sản phẩm đến khách mời tham dự các sự kiện tiêu thụ online tổ chức vào tối thứ 6 hằng tuần...

 

Thời gian qua, từ thói quen đa phần mua sắm nông sản, thực phẩm ở chợ truyền thống - vốn gắn với người Việt bao đời nay, thế nhưng khi những ca F0 được ghi nhận xuất hiện đã khiến nhiều chợ truyền thống phải đóng cửa, thì xu hướng mua sắm của người dân cũng buộc phải thay đổi.

Những mô hình như "mang chợ ra phố", "đưa chợ ra không gian thoáng", "chợ di động", "chợ 0 đồng", "chợ một giá", "chợ cư dân", "siêu thị không người bán" hay "đi chợ hộ", "bán hàng theo combo"... lần lượt ra đời, đáp ứng mọi yêu cầu cấp bách của người dân.

Cần được nhân rộng

Có thể thấy, dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhưng những ý tưởng về kênh phân phối trên đang tạo ra sự đa dạng trong hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa. Là người gắn bó với ngành bán lẻ lâu năm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo ước tính từ Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp thì hiện nay kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tới 70% sản lượng hàng hóa phân phối, 30% còn lại do kênh bán lẻ hiện đại đảm nhiệm.Riêng đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm, thì tỷ lệ này là 85%-15%. Điều đó có nghĩa, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang nắm vai trò chủ đạo trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Bà Loan cũng cho biết, hiện nay logistics trong ngành bán lẻ vẫn đang là vấn đề khó khăn không chỉ trong dịch COVID-19 mới xảy ra. Cách đây vài năm Hiệp hội đề xuất xây dựng kho hàng Việt ở khu vực kinh tế trọng điểm, thời điểm đó các thành viên lớn của Hiệp hội phấn khởi để làm nhưng rất tiếc ý tưởng đó không thể thực hiện. Tuy nhiên, theo bà, trong bối cảnh này có thể khôi phục lại ý tưởng trên, theo đó lập ra trung tâm logistics, hoặc trung tâm phân phối hàng nông sản ở các khu vực trọng điểm, có sự tham gia của các nhà bán lẻ.

 

Còn theo bà Nguyễn Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thời gian qua ngành bán lẻ gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn có cơ hội lớn. Cụ thể, đại dịch COVID-19 đang tạo ra cơ hội mới cho kênh bán hàng trực tuyến (online) và có thể mang lại triển vọng mới cho ngành bán lẻ thời gian tới.

Ngành bán lẻ trước đây chỉ bán hàng trực tiếp, tuy nhiên trong bối cảnh dịch COVID-19 đang mở ra phương thức bán hàng đa kênh, trong đó ngành đang đẩy mạnh kênh bán hàng online. Theo bà Hậu, trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng mua online tăng gấp nhiều lần so với trước đó và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp. Chính vì vậy, ngành bán lẻ đang tăng cường hơn tính chuyên nghiệp của mình trong khâu này từ việc nâng cấp hệ thống, xử lý các đơn hàng, phương thức giao hàng thế nào để đáp ứng hơn nhu cầu của người dân.

Tất nhiên đó cũng là câu chuyện lâu dài mà ngành bán lẻ cần tính đến, còn trong bối cảnh trước mắt, các doanh nghiệp bán lẻ, hay những đơn vị đảm nhiệm phân phối hàng hóa mong muốn Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của họ được nhanh chóng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

"Thực sự ngành bán lẻ cần có “sức khỏe” cả về con người và cả hệ thống. Trước đây vẫn có những quan điểm không coi trọng khâu bán lẻ trong sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy cần thay đổi tư duy đó, bởi ngành bán lẻ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế. Ngành bán lẻ có khỏe mạnh, có tính chuyên nghiệp thì cầu nối đó mới vững chắc được và mới thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế", bà Hậu chia sẻ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm