Ngành dệt may tăng trưởng “âm” sau gần 25 năm, dự báo đến 2023 mới có thể hồi phục
Ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam / Dệt may có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng, với doanh thu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, dù đơn hàng xuất khẩu vẫn có, nhưng giá trị xuất khẩu đang giảm mạnh, do nhu cầu giảm từ các thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4, tiếp tục giáng một đòn mạnh lên ngành dệt may. Đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong thời gian tới, ngành dệt may sẽ còn khó khăn hơn nữa, nhất là về nguồn hàng để bảo đảm việc làm, duy trì sản xuất. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh “treo niêu”, khi đã hoàn thành xong các đơn hàng cũ, nhưng lại không có đơn mới. Từ đó, nguồn tiền dự phòng giảm dần, các hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ bị ngưng trệ.
Theo dự báo của các doanh nghiệp, phải đến quý II/2022 hoặc chậm nhất là quý IV/2023, thị trường dệt may mới hồi phục về lực cầu, tương đương với năm 2019. Điều kiện cần để thị trường hồi phục, chính là dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ FTA.
Năm 2020: Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm 10,4%, tăng trưởng “âm” sau gần 25 năm.
Cùng với việc tổng cầu thế giới sụt giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD xuống còn 600 tỷ USD, giá nhập khẩu hàng thời trang vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm sút ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Cụ thể, trong năm 2020, nhu cầu hàng may mặc của EU và Mỹ giảm lần lượt là 45% và 40%. Giá nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ đã giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi mức giảm trung bình của các năm trước là 1%.
Lợi nhuận doanh nghiệp dệt may giảm sút nghiêm trọng, mức giảm lên tới 20% so với năm trước. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, giá bán đầu ra giảm, các chi phí trung gian như phí vận chuyển, logistics tăng cao từ 2 - 4 lần, thiếu container hàng rỗng;...
Đặc biệt, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố có sự kiểm soát không thống nhất, dẫn đến việc hàng hóa bị ùn ứ, nguyên vật liệu từ cảng Hải Phòng không lấy về được, không xuất, bán được hàng hóa, sản phẩm.
Trước những khó khăn chồng chất, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang nằm trong đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất kể từ đầu mùa tới nay, các doanh nghiệp đang rất cần các gói cứu trợ từ Chính phủ.
Điều mà các doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng và các doanh nghiệp nói chung mong muốn hiện nay là Chính phủ có thể xem xét việc giảm tiền thuê đất, giảm thuế, giảm tiền điện. Đồng thời đẩy nhanh các chính sách an sinh xã hội.
Đại diện của một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may cho biết: Trong năm 2020, Chính phủ đã có nhiều gói giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch. Thế nhưng, hiệu quả của các gói giải pháp này tương đối thấp. Nguyên nhân là do cách tiếp cận còn nhiều cứng nhắc.
Ví dụ, điều kiện để nhận gói hỗ trợ an sinh xã hội là doanh nghiệp phải có trên 50% lao động mất việc làm, không có doanh thu. Tuy nhiên, có trường hợp doanh nghiệp “âm vốn” tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp chưa đạt quy định, cũng không thể tiếp cận gói hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, đặc thù của lao động ngành dệt may là hay nghỉ việc dây chuyền, sau mỗi đợt nghỉ lễ, hay nghỉ dịch dài hạn, nên để xác định con số 50% lao động mất việc làm là tương đối khó khăn.
Do đó, thông qua Hiệp hội Dệt may, các doanh nghiệp trong ngành mong muốn Chính phủ nới lỏng các gói hỗ trợ, từ đó tạo ra động lực cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo