Ngành nào sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19?
Lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát 30 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế / An Giang: Kiểm tra 2 vụ tập kết hàng hóa trị giá hơn 88 triệu đồng, không có người nhận
Trong tâm điểm của đại dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề, tốc độ tăng trưởng sụt giảm không phanh. Song, cũng có một số ngành như dược phẩm và y tế; công nghệ thông tin đã trở thành “điểm sáng” vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, những ngành này còn giữ được “phong độ” và liệu những ngành khác có dư địa để “bứt tốc” về tăng trưởng?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ "bứt tốc"?
Thời điểm này, Chính phủ đang giao cho các Bộ, ngành lên kế hoạch, phương án phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hiện, các bộ ngành, địa phương đang khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận các cơ hội sau khi dịch kết thúc.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát, tuy nhiên, tình hình trên thế giới vẫn còn phức tạp. Vì vậy, để “nền kinh tế bật như lò xo bị nén” sau dịch và đạt được thắng lợi kép vừa chống dịch thành công vừa giữ vững kinh tế - xã hội là thách thức không nhỏ cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế.
Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ có thể sụt giảm sản lượng đến 70% trong quý II so với quý I vì sự cắt giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ đang trong giai đoạn phong tỏa do Covid-19.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây vẫn nên là lĩnh vực cần ưu tiên ngay khi có đơn hàng. Sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn sẽ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, Việt Nam muốn đón đầu xu hướng này thì phải duy trì xuất khẩu.
Với các ngành như vận chuyển hành khách, logistics, hàng không, du lịch, sự phục hồi cũng sẽ chậm hơn và phải căn cứ vào tình hình của từng địa phương, trước mắt nên ưu tiên thị trường nội địa.
Trong khi đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn còn nhiều khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng lẫn sự thiếu hụt các đơn hàng mới khi nhu cầu toàn cầu yếu đi.
Riêng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, nhất là khi diễn biến dịch trên thế giới còn nhiều phức tạp. Vì thế, khu vực FDI sẽ hồi phục chậm hơn các DN trong nước.
Tuy nhiên, PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với các DN trong nước cũng có sự khác nhau giữa DN tư nhân và DN nhà nước. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khối DN nhỏ và vừa do đặc tính quy mô nhỏ, linh hoạt nên có thể sẽ phục hồi nhanh hơn, thích ứng tốt hơn với các cú sốc bên ngoài.
“Các DN nhỏ và vừacần tái cấu trúc, cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng mới đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi. DN cũng cần nắm bắt được xu thế của thị trường, đầu tư vào khách hàng mục tiêu và dự đoán hành vi, tìm các phương án marketing và bán hàng mới… để đáp ứng nhu cầu của người mua”, ông Thành cho phân tích.
Doanh nghiệp cần 24 tháng để phục hồi
Về kế hoạch phục hồi sau dịch, các chuyên gia cho rằng cần tính toán lộ trình phục hồi các ngành khác nhau vào thời điểm phù hợp, với mức độ và phương án hợp lý, thậm chí có thể phải tính tới phương án “sống chung với dịch”, vừa duy trì kinh tế, vừa phòng chống dịch. Bên cạnh đó, DN cũng phải tự chuyển đổi, “tăng sức đề kháng” cho mình.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lưu ý, cơ quan quản lý cần theo dõi sát tình hình để đưa ra những chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ DN. Chẳng hạn, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm thị phần lớn trên thế giới, thậm chí đứng trong những top đầu nhưng thị trường lại phụ thuộc vào giá cả mà người mua đưa ra, không thể khống chế được giá bán để thu được nhiều lợi ích hơn cho DN và nền kinh tế. Do đó, cần có phương hướng để tăng thêm tiếng nói trên thị trường quốc tế, chủ động trước mọi tình huống.
Trong khi đó, ông Thành cho rằng, với các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không, việc mở cửa trở lại như thế nào còn phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch bệnh trên thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành lộ trình phục hồi cụ thể, cũng như nhiều phương thức hỗ trợ hiệu quả, bởi đây là những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, các DN còn nhiều khó khăn, nên Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải đổi mới quyết liệt trong thực hiện thủ tục hành chính giảm bớt những khâu phiền hà cho DN. Nền hành chính công vụ phải đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho DN nhằm phục hồi các dự án đã và đang dở dang.
Về các chính sách thuế đất đai, cần thêm giải pháp hỗ trợ, miễn giảm cho DN nhỏ và vừa, cho vay vốn lưu động với mức lãi suất thấp hoặc 0%/năm… "Với những hỗ trợ từ cơ quan quản lý và tự bản thân DN, thời gian phục hồi của DN và nền kinh tế sau đại dịch cần ít nhất là 24 tháng", ông Quốc Anh dự báo.
Ngoài những hỗ trợ từ Chính phủ, các chuyên gia cho rằng DN cần phải tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ thông tin, xác định được xu thế của thị trường để đầu tư vào khách hàng mục tiêu, qua đó mở rộng thị trường.
“Nhân dịp sản xuất bị đình trệ vì Covid-19, các DN cũng nên lấy đây là cơ hội để nhìn lại mình, cơ cấu lại hoạt động quản trị DN. Hơn nữa, đây cũng là bài học để các DN thay đổi cách làm ăn, kinh doanh, không nên làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ, có đâu bán đấy mà phải chuyển hướng sang kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, theo nhu cầu thị trường một cách dài lâu để tăng “sức đề kháng” trước những rủi ro về dịch bệnh, thiên tai hay các xung đột thương mại, địa chính trị…”, ông Nguyễn Văn Nam khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Việc phục hồi nhanh hay chậm sau đại dịch phụ thuộc vào doanh nghiệp tái cấu trúc, cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng mới đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi (Ảnh minh hoạ: Internet)