Thị trường

Ngành tài chính Việt Nam chịu tác động như thế nào từ EVFTA?

DNVN - Các dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý trong EVFTA theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam ở mức cao hơn cam kết WTO. Do vậy, EVFTA được cho là sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính Việt Nam.

Quảng Ninh: Du học ở Úc 4 năm, chàng trai về nước nuôi chim / Không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao

Việt Nam cam kết mở cửa nhiều dịch vụ tài chính nhưng không phải tất cả
Tại Hội thảo "Ngành tài chính và viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI cho biết: Trong EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa nhiều dịch vụ tài chính nhưng không phải là tất cả. Theo đó, 3 nhóm dịch vụ tài chính gồm bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán đều có dịch vụ đã cam kết mở cửa.
Cụ thể, đối với bảo hiểm, Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm, trung gian bảo hiểm, và hỗ trợ bảo hiểm. Đối với ngân hàng, các dịch vụ đã cam kết gồm các dịch vụ ngân hàng thương mại. Đối với chứng khoán là các dịch vụ chứng khoán như giao dịch công cụ phái sinh, các giao dịch chứng khoán...
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI nêu những cam kết mở cửa thị trường tài chính của Việt Nam trong EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI nêu những cam kết mở cửa thị trường tài chính của Việt Nam trong EVFTA.

Tuy nhiên, đối với bảo hiểm, có dịch vụ chưa cam kết mở cửa là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ chưa cam kết mở cửa là hoạt động của ngân hàng trung ương, trung gian tiền tệ, hoạt động của công ty nắm giữ tài sản và quản lý tài chính.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) đưa ra những lưu ý về cam kết trong mảng bảo hiểm và chứng khoán, và khẳng định lĩnh vực bảo hiểm nhận được sự quan tâm nhiều hơn bởi trong cam kết của Hiệp định EVFTA, chúng ta mở cửa hơn so với WTO. Về những cam kết mở rộng hơn trong WTO, cam kết mở cửa dịch vụ qua biên giới và nhượng tái bảo hiểm. Đây là cam kết giống trong CPTPP. Phần mở cửa hơn trong EVFTA đó là được thành lập chi nhánh tái BH nước ngoài với điều kiện sau 3 năm hiệp định có hiệu lực.
Theo bà Huyền, khi đánh giá được lợi ích của thị trường cũng như năng lực quản lý thì Việt Nam sẵn sàng mở cửa, coi đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.
Điều đáng lưu ý nữa của EVFTA so với WTO là nội dung hiện diện thương mại đối với dịch vụ bảo hiểm sức khỏe. Đây là điểm mới và là tin vui đối với đa số người tiêu dùng cũng như DN BH nhân thọ vì nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe của người dân ngày càng tăng.
Tác động của EVFTA với thị trường và ngành tài chính
Đánh giá tác động của EVFTA đối với thị trường và ngành tài chính, bà Trang cho rằng, có cả tác động trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, về tác động trực tiếp, EVFTA không tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài. Đối với ngành tài chính, chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm, về mức cam kết không có thay đổi.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh ổn định và dễ dự đoán hơn. Cụ thể, các cam kết rõ ràng về ngoại lệ thận trọng, các ngoại lệ khác; các cam kết liên quan đến các dịch vụ tài chính mới; các cam kết về các vấn đề quan trọng trong cung cấp dịch vụ tài chính.
EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cầu dịch vụ; môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch; cơ hội đầu tư ra các nền kinh tế thành viên EU cũng như cơ hội hợp tác với các đối tác EU, cải thiện chuyên môn, công nghệ, quản trị và năng lực cạnh tranh.
Tuy vậy, EVFTA cũng mang đến không ít thách thức cho ngành và thị trường tài chính nước ta. Đó là áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA; Yêu cầu của khách hàng với dịch vụ ngày càng cao. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ thông tin và thách thức trong bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn giao dịch cũng là trở ngại đối với dịch vụ này.
Các diễn giả tại hội thảo.

Các diễn giả tại hội thảo.

Theo đánh giá của bà Trang, cũng như ngành viễn thông, ngành tài chính được coi là ngành dịch vụ thiết yếu cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Bởi lẽ, bất kỳ những thay đổi nào đối với ngành này sẽ ngay lập tức tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các ngành khác. Ngành này có ý nghĩa đặc biệt trong đàm phán với yêu cầu mở cửa rất đặc thù. Mở cửa rộng, tạo ra cạnh tranh sẽ giúp cho ngành phát triển cũng như giúp các ngành khác được hưởng lợi nhưng lại liên quan đến vấn đề an ninh tiền tệ nên mở cửa phải vừa mạnh vừa thận trọng.
Để các doanh nghiệp hiểu rõ ràng, đầy đủ để có vận dụng cam kết hay thực thi đúng trong quá trình sản xuất kinh doanh thì rất cần những cách thức đào tạo, nâng cao nhận thức hoặc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục tới các doanh nghiệp.

Tiềm năng của thị trường bảo hiểm
Nói rõ hơn về thị trường bảo hiểm (BH) Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong bối cảnh Việt Nam gia nhập EVFTA, ông Bùi Gia Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định rằng: Thị trường BH Việt Nam đã được phát triển cách đây 26 năm. Hiện tại, thị trường gồm 64 doanh nghiệp (DN) BH và môi giới BH, trong đó có 30 DN BH phi nhân thọ, 18 DN BH nhân thọ 2 DN tái BH, 1 chi nhánh BH nước ngoài, 4 DN môi giới BH.
Thị trường BH Việt Nam đã mở cửa. Hiện tại, trong tổng số 30 DN phi nhân thọ có 16 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 18 DN nhân thọ kinh doanh tại Việt Nam có 17 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong lĩnh vực nhân thọ, số lượng DN BH nước ngoài cũng chiếm gần 1 nửa. Riêng lĩnh vực BH nhân thọ tỷ lệ DN FDI tới 17 DN/18 DN. Với chính sách mở cửa của Nhà nước trong lĩnh vực BH, căn cứ nhu cầu phát triển nội tại của thị trường, tham gia BH là giải pháp tài chính hiệu quả của cá nhân, DN, tổ chức tài chính để phòng ngừa rủi ro tài chính nếu không may xảy ra sự cố.
"Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ với khung pháp lý ngày càng hoàn thiện. Việc phát triển thị trường BH Việt Nam, Luật Kinh doanh BH ra đời từ năm 2000, sửa đổi năm 2010 và 2019, Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã được Quốc hội thông qua đã tạo điều kiện, khung pháp lý cho các DN BH. Thị trường BH những năm gần đây có tốc độ phát triển trên 20%, trong đó BH phi nhân thọ tăng 12 - 13%...", ông Bùi Gia Anh chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng thị trường BH, ông Bùi Gia Anh cho rằng, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. BH nhân thọ còn nhiều tiềm năng bởi với dân số trên 90 triệu dân, hiện tại mới 10% dân tham gia BH nhân thọ. Trong khi đó, tỷ lệ này tại các nước phát triển là 80 - 90%.
Đối với BH phi nhân thọ cũng đang cần phát triển nhiều trong lĩnh vực tài sản công, công trình lớn, đặc biệt bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam cũng đã thích ứng dần với sự cạnh tranh, năng động của thị trường.
Xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính thị trường, việc Nhà nước mở cửa để ký kết các hiệp định, đặc biệt là EVFTA, DN Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư và hợp tác với các quốc gia châu Âu. Một số DN châu Âu đã tham gia vào thị trường Việt Nam, qua đó giúp thị trường tiếp tục phát triển, trên cơ sở đó quy mô thị trường ngày càng tăng. DN Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm để trao đổi, chia sẻ, hợp tác. Giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi về chuyên môn, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn lực.
Tuy vậy, ông Bùi Gia Anh đánh giá, thị trường luôn cần yêu cầu cao hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn, do đó doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh về vốn cũng như nguồn nhân lực để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Nguyệt Minh (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm