Thị trường

Ngành thực phẩm dậy sóng vì cây kế đồng

Hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì bất ngờ nhận được công văn từ cơ quan bảo vệ thực vật yêu cầu tái xuất tất cả các lô hàng lúa mì có nhiễm cỏ Cirsium Arvense (tên tiếng Việt là cây kế đồng).

Được cởi trói, xuất khẩu gạo Việt sắp bứt phá? / UOB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên 6,9%

Đại diện các doanh nghiệp sốc vì bị yêu cầu tái xuất tất cả các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ. Ảnh: Quang Thuần.

Đại diện các doanh nghiệp sốc vì bị yêu cầu tái xuất tất cả các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ. Ảnh: Quang Thuần.

Thời hạn áp dụng bắt đầu từ ngày 1/11. Quy định này được ví như một cú sốc cho ngành thực phẩm.
Thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng
Chiều 8/10, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo khẩn cấp góp ý về văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 và vùng 2, yêu cầu tái xuất tất cả các lô hàng lúa mì nhập khẩu, bắt đầu từ ngày 1/11.
Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT công ty bột quốc tế Intermix, bức xúc: “Chúng tôi đang nhập lúa mì về trên đường. Tàu hàng trị giá đến 300 tỉ đồng. Đây là cao điểm chuẩn bị cho mùa tết. Nếu ban hành lệnh cấm trong lúc này thì thiệt hại cho doanh nghiệp (DN) rất lớn, đời sống của gần 500 công nhân, nhân viên của chúng tôi phải thế nào?”.
Ông Phạm Văn Bình, đại diện Công ty Tân Long (TP.HCM), cho biết: “Việc nhập khẩu lúa mì đã được các DN VN thực hiện từ cách đây hàng chục năm. Do thu hoạch bằng máy móc nên việc xen lẫn cỏ dại là không thể tránh khỏi. Trong đàm phán hợp đồng trước nay cũng không hề đưa vào tiêu chuẩn cỏ dại này. Đến nay, cơ quan quản lý nhà nước đột ngột yêu cầu tái xuất những lô hàng nhiễm cỏ lạ là cây kế đồng mà không có một hướng dẫn cụ thể nào. Đối với việc thương mại, nếu không có vi phạm hợp đồng mà chúng tôi là người mua hàng đột nhiên hủy giữa chừng thì phải chịu hoàn toàn thiệt hại. Như vậy chẳng khác nào nhà nước đang gây khó cho DN”.
Ông Lê Văn Vu, Phó tổng giám đốc Công ty bột mì Bình Đông, bày tỏ: “Chúng tôi đang rất lo lắng và bức xúc. Quy định quản lý của cơ quan nhà nước cần phải có cơ sở, có lộ trình, có khuyến cáo và giải pháp thay thế. Đằng này một quyết định ban hành vội vàng. Tôi cũng có đặt vấn đề cỏ dại với nhà cung cấp nhưng họ nói thẳng, vấn đề này không quan trọng, ai cần thì mua, không mua thì thôi, họ không quan tâm”. Theo ý kiến của nhiều DN, giá lúa mì nhập khẩu khoảng 1 tuần nay đã rục rịch tăng lên từ 10 - 15%. Nếu không giải quyết ngay thì ngành thực phẩm trong nước sẽ bị khủng hoảng ngay vào đầu năm tới.

Kế đồng là loại cây gì ?
Ngoại trừ những người trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo vệ thực vật, có lẽ ít ai nghe nói đến loại cây kế đồng này. Tiến sĩ Trần Duy Khanh, chuyên gia nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC, cho biết: “Chúng tôi hiểu ý của cơ quan bảo vệ thực vật là ý tốt, lo lắng sự xâm hại của cây ngoại lai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên thực tế là loại cỏ này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới. Tôi khẳng định nó không gây độc hại gì cả, nếu có lo ngại thì chỉ có thể xem xét ở khía cạnh cạnh tranh dinh dưỡng với các cây trồng khác khi phát tán rộng ra môi trường. Nhưng thực tế hàng chục năm nay ở VN đều không thấy bóng dáng loại cỏ này”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cũng nhận định: “Cơ quan chuyên ngành cũng chưa có một nghiên cứu nào để chứng minh cây kế đồng có thể gây hại cho con người. Nếu chưa có một cơ sở nghiên cứu khoa học gì và không phải tình trạng khẩn cấp mà đưa ra lệnh cấm như vậy thì hoàn toàn không thuyết phục. Tôi cũng liên hệ để tìm văn bản chính thức từ phía Cục Bảo vệ thực vật hay Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhưng không thấy, chỉ có công văn của chi cục cấp dưới dựa theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, về mặt căn cứ pháp lý là không phù hợp theo quy định”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Ngay sau buổi hội thảo này, tôi sẽ tổng hợp ý kiến các DN và bay ra trực tiếp Hà Nội để gửi văn bản chính thức để phản đối”.
Đến nay, cơ quan quản lý nhà nước đột ngột yêu cầu tái xuất những lô hàng nhiễm cỏ lạ là cây kế đồng mà không có một hướng dẫn cụ thể nào. Như vậy chẳng khác nào nhà nước đang gây khó cho DN.Ông Phạm Văn Bình, đại diện Công ty Tân Long (TP.HCM)

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm