Nghệ An: Lật tẩy nhiều hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu
Bộ Tài chính ban hành kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh / Phát huy các cơ hội hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
Năm 2008, Nghệ An phát hiện và xử lý nhiều cơ sở lắp mạch đo lường phụ chạy song song với mạch đo lường chính, sử dụng công tắc chuyển mạch để điều chỉnh sai số có lợi cho người bán. Ở hình thức gian lận này người bán hàng có thể tự điều chỉnh sai số bán bằng chức năng sẵn có trên mạch đo lường phụ (thông qua hệ thống chốt gạt), theo mong muốn của người bán hàng.
Quá trình thanh tra 145 cơ sở kinh doanh xăng dầu, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện và xử lý 32 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 315 triệu đồng; 36 cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận kiểm định, 45 phương tiện đo lường buộc phải kiểm định lại.
Năm 2014, Nghệ An là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bằng cách tác động hoặc thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo vượt quá mức cho phép. Thanh tra 51 cơ sở kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng phát hiện 23 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 1,4 tỉ đồng. Liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán IC nhằm gian lận trong kinh doanh xăng dầu này, có 8 đối tượng bị xử lý hình sự bằng các bản án từ 7 tháng tù treo đến 24 tháng tù giam.
Tháng 10/2017, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Sở KH&CN phá chuyên án X917-XD và bắt giữ 42.000 lít dung môi, 22.000 lít xăng đã được pha chế và 3 lọ chất tạo màu.
Mới đây nhất, vào tháng 4/2019, UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 232 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu Bình Trinh (huyện Nghĩa Đàn) về hành vi bán xăng E5 có hàm lượng Etanol thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, cơ sở này còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu thời hạn 1 tháng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà – Chánh thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, thủ đoạn gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các hành vi gian lận chủ yếu về đo lường và chất lượng xăng dầu bán ra thị trường.
Hành vi gian lận trong đo lường trước đây khá đơn giản. Sau khi kiểm định và được kẹp chì, các cơ sở kinh doanh xăng dầu tháo bỏ kẹp chì và điều chỉnh lại. Sau đó, lên một cách cao hơn là không cắt, vứt kẹp chì đi mà nong kẹp chì ra, điều chỉnh và lắp kẹp chì lại. Nếu những đoàn kiểm tra chưa có nhiều kinh nghiệm sẽ khó phát hiện.
Hiện nay, thủ đoạn gian lận đã tinh vi hơn rất nhiều bằng cách sử dụng các mạch đo lường phụ, song song với mạch chính, điều chỉnh bằng công tắc thủ công được giấu kín. Hành vi gian lận này đã tiến thêm một bước mới bằng cách sử dụng IC chương trình giả, điều chỉnh bằng các mật khẩu bí mật để thực hiện các hành vi gian lận khi đo lường xăng bán cho người tiêu dùng.
Về mặt chất lượng, trước đây hành vi gian lận đơn giản là pha dầu hỏa vào xăng. Sau đó, pha các loại xăng kém chất lượng, tiến thêm một bước nữa pha các loại chất dung môi vào xăng khi bán cho khách.
Một điều dễ thấy là sau mỗi hành vi gian lận bị lật tẩy, cơ quan chức năng chứng minh được số xăng dầu bán cho khách bị bớt nhiều hơn những hành vi gian lận trước đó. Đơn cử, với thủ đoạn sử dụng mạch đo lường phụ lắp song song với mạch chính, các đối tượng có thể điều chỉnh sai số theo mong muốn từ +1% đến +8%. Hành vi tác động hoặc thay thế IC chương trình (lắp đặt IC giả) có thể gian lận từ +4,1% đến +11,6. Hành vi pha chế dung môi vào xăng RON92 (phát hiện năm 2017), số lợi bất chính mà các đối tượng thu về có thể lên đến 5.000 đồng/lít dung môi.
“Hiện chúng tôi đã phát hiện thêm một thủ đoạn mới trong hành vi gian lận xăng dầu, cả về đo lường lẫn gian lận về chất lượng. Các thủ đoạn này rất tinh vi, kín kẽ. Sở KH&CN đang phối hợp với công an và các cơ quan hữu quan điều tra”, ông Hà thông tin thêm.
Với các hành vi gian lận, các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu có thể thu lợi bất chính một số tiền không nhỏ trong thời gian dài, gây thiệt hại về mặt kinh tế cho người tiêu dùng, kéo theo nhiều hậu quả nặng nề khác về sự an toàn của phương tiện, ô nhiễm môi trường…
Ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu, theo ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và các địa phương, trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò phối hợp giữa Sở Công thương (cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu) và Sở KH&CN (cơ quan giám sát đo lường, chất lượng xăng dầu).
Các vụ việc gian lận được phát hiện phải xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân…
End of content
Không có tin nào tiếp theo