Giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc: Những lưu ý không thể bỏ qua với doanh nghiệp Việt
DNVN - Khi giao dịch, làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt phải xác minh năng lực của doanh nghiệp phía bạn, thực hiện bằng hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế...
EU trả về 17 lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam / Trà Vinh: Trái cây đặc sản được mùa, được giá
Đây là lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc được TS Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra tại Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp với Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức mới đây tại An Giang.
Theo tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình khoảng 20%; trong đó, năm 2018 xuất khẩu của Việt Nam đạt 63,9 tỷ USD, tăng 27%. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 840 triệu USD, tăng 2,43%. Các mặt hàng xuất khẩu như: nông sản, dệt may, rau quả đông lạnh... của An Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh.
Ảnh minh họa.
Thương vụ Đại sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi như: nhóm hàng nông, lâm, thủy sản được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản là 0% và Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh.
Tuy nhiên, TS Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đưa ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp trong nước. Đó là khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ và Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc; xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức Internet; mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao.
Việc tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch cũng là điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm. Không những thế, các doanh nghiệp trong nước muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu; cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu cũng như những quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương. Đặc biệt, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức, hiệp hội tổ chức; những cán bộ xúc tiến thị trường phải am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong công tác, giao dịch với các đối tác, doanh nghiệp Trung Quốc.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo