Thị trường

Nghịch lý: Ưu đãi thuế nhưng ô tô lắp ráp trong nước vẫn đắt hơn xe nhập

Chuyên gia chỉ ra rằng, một biểu hiện bất cập từ ưu đãi thuế là các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong nước, mặc dù được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu nhưng giá thành sản xuất xe lại cao hơn xe nhập khẩu.

Giá toàn bộ các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm / Nông sản Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng kỷ lục

Nghịch lý: Ưu đãi thuế nhưng ô tô lắp ráp trong nước vẫn đắt hơn xe nhập - 1

Chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế suất tại Việt Nam có vấn đề cần phải xem xét.

Nhắc đến câu chuyện ưu đãi đầu tư, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II chỉ ra, có tình trạng cho phép ưu đãi thuế không đúng quy định, dẫn đến thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm không đúng.

"Đơn cử như việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định hay miễn thuế khi hết thời hạn ưu đãi, không đúng đối tượng được ưu đãi theo giấy chứng nhận đầu tư; xác định thu nhập chịu thuế không thuộc nội dung được giảm, hạch toán một số khoản chi phí không đúng quy định...", ông Đạt cho hay.

Ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII chỉ ra rằng, hàng năm tổng số tiền mà ngân sách Nhà nước (NSNN) đã ưu đãi cho các doanh nghiệp tương đương khoảng 5,5- 6% tổng thu NSNN, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế suất tại Việt Nam thời gian qua có vấn đề cần phải xem xét và điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới.

Theo ông Khương, dù có nhiều ưu đãi, nhưng các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn vẫn rất khó thu hút vốn đầu tư, mà nguyên nhân chính là do hạn chế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, yếu kém, nguồn nhân lực chất lượng thấp.

 

Điều này cũng xảy ra tương tự với việc thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu để bảo hộ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lắp ráp trong nước lên 30-40%. Nhưng thực tế tỷ lệ nội địa hóa gần như không tăng trong các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ khoảng 10-15%).

Ông Khương cũng chỉ ra thực trạng, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về cơ bản sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Một số dự án còn tiêu tốn năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường... do đó mục tiêu chuyển giao công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn mới đạt được ở mức độ hạn chế.

Về mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi thuế suất thuế TNDN, đại diện cơ quan kiểm toán cho hay, trong nhiều trường hợp, thực tế không đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư mà chỉ làm tăng thu NSNN cho Chính phủ của nước đầu tư.

Theo ông Khương, hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 70 nước trên thế giới, trong đó rất nhiều nước áp dụng biện pháp khấu trừ thuế để xử lý vấn đề tránh đánh thuế hai lần. Theo đó, các nhà đầu tư cư trú tại nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam và đã nộp thuế TNDN tại Việt Nam thì không được miễn thuế TNDN tại nước cư trú, mà chỉ được khấu trừ số thuế TNDN đã nộp tại Việt Nam vào số thuế TNDN nhà đầu tư phải nộp tại nước cư trú.

"Nếu Việt Nam ưu đãi thuế suất thuế TNDN cho nhà đầu tư, thì họ cũng sẽ không được hưởng lợi gì. Như vậy, chính sách ưu đãi thuế suất thuế TNDN của Việt Nam trong phần lớn các trường hợp không tính ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà ngược lại còn làm tăng thu NSNN cho Chính phủ nước đầu tư và làm giảm thu NSNN không cần thiết tại Việt Nam", ông cho hay.

 

Vị chuyên gia còn cho rằng, chính sách ưu đãi thuế suất thuế TNDN rộng rãi và dàn trải đã làm mất tính hấp hẫn, tính cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư, đồng thời làm giảm tính hợp lý nguồn thu của NSNN.

"Chính sách ưu đãi thuế vừa áp dụng đối với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, hơn 300 khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất cũng thuộc diện được ưu đãi thuế. Ưu đãi quá rộng làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư, tạo ra một mặt bằng thuế suất thấp đối với nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, làm giảm tỷ lệ động viên GDP vào NSNN", ông nói thêm.

Đáng lưu ý, theo ông, chính sách ưu đãi thuế suất góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn rồi áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế TNDN thấp. Có doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại các địa bàn khó khăn, thành lập chi nhánh tại các thành phố lớn, mặc dù hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra tại chi nhánh ở các địa bàn không ưu đãi.

"Một biểu hiện nữa là các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong nước, mặc dù được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu các bộ linh kiện lắp ráp, nhưng giá thành sản xuất xe lại cao hơn xe nhập khẩu, cho thấy có dấu hiệu của việc chuyển giá để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ liên tục nhiều năm, nhưng lại không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, cho thấy có nhiều rủi ro trong vấn đề chuyển giá, lợi dụng kẽ hở về ưu đãi để giảm số thuế phải nộp", ông nói thêm.

 

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm