Người trồng hoa Đà Lạt canh cánh nỗi lo tắc đường, kẹt xe dịp tết
“Ngôi nhà chung” quảng bá thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” / Người dân ùn ùn trở lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, hiện các nhà vườn ở Đà Lạt và các vùng trồng hoa lân cận, như: Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương đang xuống giống hơn 2.000ha vụ Tết. Trong đó, các vùng chuyên canh hoa Đà Lạt trồng diện tích lớn nhất, khoảng 1.500ha, với các chủng loạiđược thị trường ưa chuộng, như: Hoa cúc, cẩm chướng, hồng, đồng tiền...
Hoa Đà Lạt đợi tết
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết, nhìn chung sản lượng hoa Đà Lạt trồng năm nay tăng không đáng kể so với năm trước, nhưng có mở rộng một số giống mới và thời tiết khá thuận lợi nên sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp tết sắp tới, với giá cả tương đối ổn định.
“Hiện mới chỉ có khoảng 5% hoa Đà Lạt được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Đài Loan, Singapore… 85-90% còn lại được tiêu thụ trong nước, trong đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh, Đông và Tây Nam bộ chiếm khoảng 70%, thông qua các vựa trung gian; sản lượng còn lại là các tỉnh miền Trung và Hà Nội”, ông Sang cho biết thêm.
Mới đây, Hiệp hội hoa Đà Lạt, Sở Công Thương TP. HCM đã có buổi toạ đàm với sự tham gia của hơn 40 thành viên là các hộ nông dân sản xuất, người buôn bán trung gian, vựa hoa sỉ chợ đầu mối TP.HCM, nhà xe vận chuyển, ban quản lý chợ... để chia sẻ những khó khăn, trở ngại nhằm tháo gỡ vướng mắt, để khắc phục tình trạng “dội hàng” hoa tết như thời gian vừa qua.
Người trồng hoa Đà Lạt chia sẻ những khó khăn, lo lắng khi đưa hoa về TP.HCM trong dịp tết (Ảnh: HHHĐL)
Tại buổi toạ đàm, nhiều người trồng hoa Đà Lạt kể lại “thảm cảnh” Tết Mậu Tuất - 2018, khi nhiều nhà vườn chở hoa từ Đà Lạt về các chợ đầu mối ở TP HCM như Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen… nhưng không vào chợ được vì kẹt xe, tắc đường. Đến khi vào được chợ thì hoa bị xuống chất lượng, “dội chợ”. Một số nhà vườn phải bán cho các chủ vựa nhỏ, đến khi thu tiền thì không tìm ra chủ vựa…
Ông Nguyễn Hùng Vỹ, một người dân trồng hoa ở Làng hoa Vạn Thành (TP. Đà Lạt), cho biết, nông dân ở sản xuất hoa chủ yếu tập trung bán cho đầu mối ở TP.HCM và tập trung sản xuất vụ tết nên thường dẫn đến tình trạng “dội hàng” vào dịp Tết. Xe tải vận chuyển hoa và nông sản từ Đà Lạt vào Sài Gòn dịp Tết với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng kẹt xe, hàng không vào được chợ nên hiện nay người dân mang tâm lý rất lo lắng.
Trong khi đó, đại diện nhà xe Huy Kiện (TP. Đà Lạt), kể, dịp Tết 2018 vừa rồi, trước ngày 25âm lịch ở TP.HCM không có hoa để bán. Thế nhưng mấy ngày áp tết, hàng dồn xuống rất nhiều, nhà xe chở không hết.
Trong những ngày từ 25-27 Âm lịch,các ngõ ra vào TP. Đà Lạt bắt đầu kẹt xe. Khi xe hàng “bò” được xuống TP.HCM thì tình trạng kẹt xe, tắc đường còn kinh khủng hơn gấp bội, đã thế xe tải không được vào thành phố nên hoa để trên xe, cộng với thời tiết nắng nóng, bị hư hỏng rất nhiều.
Nhà quản lý, người trồng hoa Đà Lạt và các thương nhân, chủ vựa kinh doanh hoa cần tìm tiếng nói chung để Hoa Đà Lạt ngày một vươn xa, phát triển bền vững (Ảnh: HHHĐL)
Anh Tài, chủ vựa hoa Thủy Tài tại Chợ Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ, hiện nay hoa Đà Lạt đang bị cạnh tranh rất lớn từ các vùng phía bắc, như: Hoa Lily Tây Tựu, hoa Baby, cẩm chứng, hoa hồng... từ Trung Quốc... Tuy nhiên, người trồng hoa Đà Lạt lại thường có tâm lý “ém hàng” để đợi giá “ăn cú chót”, nên rất dễ bị khủng hoảng thừa những ngày sát tết.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Ban quản lý chợ Thủ Đức (TP. HCM), thì đúc kết, dịp tết vừa rồi người sản xuất ở Đà Lạt thông tin ảo để nâng giá nhưng đến những ngày sát tết lại đưa xuống lượng hoa quá nhiều nên “dội chợ”, giá giảm mạnh.
“Do đó, ngành chức năng và người dân cần phải cung cấp thông tin chủng loại, sản lượng và chốt giá sớm để thương nhân, nhà buôn chủ động đặt hàng, vận chuyển rải đều hợp lý để tránh tình trạng kẹt xe, tắc đường và nhất là “dội chợ” những ngày giáp tết”, ông Nhu khuyến cáo.
Trước những bất cập, lo lắng của người trồng hoa trong dịp tết, tại buổi làm việc, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã kiến nghị ngành chức năng TP. Hồ Chí Minh xem xét bỏ quy định cấm xe tải lưu thông vào những tuyến đường cấm trong những giờ cao điểm để hàng hóa vào chợ đúng giờ.
Song song với đó, hiệp hội cũng sẽ tăng cường kết nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa các nhà vườn, doanh nghiệp tại Lâm Đồng và đầu mối tiêu thụ tại khu vực TP. HCM để hàng hóa được lưu thông thuận tiện, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.
TP. HCM sẽ tìm tạo điều kiện thuận lợi hơn để hoa Đà Lạt khoe sắc dịp Tết (Ảnh: HHHĐL)
Ghi nhận những ý kiến này, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, cho biết, sẽ kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét áp dụng quy định giờ cao điểm của xe đưa hàng hóa vào khu vực các chợ đầu mối như đối với những xe chở hàng bình ổn thị trường.
Bà Trang cũng cho biết, để tránh lặp lại tình trạng hoa “dội chợ”, phải đập bỏ hoặc đổ rác trong những ngày sát tết như năm vừa rồi, ngành chức năng đã kiến nghị các quận, huyện có cho thuê địa điểm kinh doanh hoa tết xem xét lại giá cho thuê và không cho đầu nậu gom ô vựa rồi bán lại cho nhà vườn với giá cao.
“Tuy nhiên, để chủ động, các nhà vườn, doanh nghiệp cung ứng hàng hoá của Lâm Đồng vào TP. Hồ Chí Minh cần tính toán thời điểm giao hàng linh hoạt, thích hợp để không bị ảnh hưởng tiến độ giao hàng cũng như chất lượng hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng hoa trong dịp tết”, bà Trang khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024