Nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững thay đổi "chóng mặt" do COVID-19
DNVN - 90% người tiêu dùng tham gia khảo sát của IBM về thay đổi nhận thức do dịch bệnh COVID-19 cho biết, đại dịch đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Quảng Ninh do phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì / Cục Hàng không đề xuất kế hoạch hồi phục hoạt động vận tải hàng không nội địa
Sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng vì môi trường
Kết quả khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc IBM đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho thấy, 90% người được khảo sát trả lời rằng, COVID-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết, tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu. 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng và phát triển bền vững đã và đang thay đổi bởi COVID-19. (Ảnh minh họa - Nguồn: TN&MT)
Trên thế giới, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã chuyển sang cách tiếp cận vòng đời sản phẩm (LCA) để phân tích các tác động của các sản phẩm và dịch vụ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và trong tất cả các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời tích hợp môi trường và phát triển để giải quyết thách thức kép của khủng hoảng môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, hệ thống các tiêu chuẩn về sản xuất, tiêu dùng bền vững cũng đang được các quốc gia sử dụng như một rào cản kỹ thuật, phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu thông qua chương trình mua sắm công của từng quốc gia. Do đó, sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng gắn liền với sự lựa chọn quỹ đạo phát triển của mỗi các quốc gia.
Tùy thuộc vào nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên và phương thức để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc phát triển bền vững sẽ khác nhau giữa các quốc gia nhưng đều tập trung vào 9 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Bao gồm: Quản lý tài nguyên bền vững, thiết kế có tính bền vững, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, nhãn sinh thái và chứng nhận, mua sắm bền vững, tiếp thị bền vững, giao thông bền vững, lối sống bền vững, quản lý chất thải.
Kinh tế tuần hoàn giúp ích cho Việt Nam
Bộ Công Thương cho biết, tại Việt Nam, các nhiệm vụ chính của sản xuất và tiêu dùng bền vững đang được triển khai dựa trên sự nhất trí cao của Chính phủ. Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng với nhằm hướng tới bền vững lâu dài.
Theo giới chuyên gia, kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững. Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam cần tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp để tạo điều kiện đổi mới sinh thái cho quá trình cạnh tranh toàn cầu và kết hợp sản xuất và tiêu dùng bền vững vào các biện pháp thương mại xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, khi tốc độ đô thị hóa đang được mở rộng tại Việt Nam, cần tập trung hơn nữa vào các mục tiêu dùng bền vững của dân cư đô thị trong suốt quá trình chuyển đổi mô hình tiêu dùng nhanh chóng. Do đó, sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể được thông qua trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội của Việt Nam để giải quyết một cách toàn diện các cơ hội và thách thức mới nổi thông qua sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội.
Bộ Công Thương đánh giá, xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái "quay lưng", "tẩy chay" sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng "sờ gáy".
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo