Thị trường

Nhiều hộ dân trồng dưa hấu, làm bánh mứt ở Cà Mau tất bật vào vụ Tết

DNVN - Vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm này, nhiều hộ dân ở ấp 4, xã Khánh Lâm, huyện U Minh tập trung chăm sóc rẫy dưa hấu của gia đình để kịp thu hoạch. Bên cạnh đó, nhiều hội viên, phụ nữ tại xã Tân Thành, TP Cà Mau lại tất bật vào vụ làm bánh, mứt, khô các loại… phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đạm Cà Mau tập trung tài chính triển khai dự án phân urê nóng chảy / PV GAS Cà Mau: Phối hợp tốt an ninh, an toàn công trình dầu khí

Năm nay, vào thời điểm này thời tiết rất thuận lợi và ủng hộ cho người trồng dưa hấu. Nhiều bà con nông dân nào trồng dưa hấu rất phấn khởi và hy vọng vụ dưa hấu Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sẽ được mùa, được giá. Bên cạnh đó, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Tân Thành, TP Cà Mau lại tất bật vào vụ làm bánh, mứt, khô các loại… phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết này. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình.

Anh Trần Thanh Sơn đang tưới nước, chăm sóc rẫy dưa hấu của gia đình.

Anh Trần Thanh Sơn đang tưới nước, chăm sóc rẫy dưa hấu của gia đình (Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau).

Anh Trần Thanh Sơn, ở ấp 4, xã Khánh Lâm là người có nhiều kinh nghiệm trồng dưa hấu bán Tết. Vụ dưa hấu Tết năm nay, gia đình anh Sơn trồng 2 công dưa hấu, mỗi công trồng 1.000 dây. Đến thời điểm này, diện tích dưa của gia đình anh Sơn đã trồng được hơn 40 ngày tuổi, đang phát triển tốt và trái đã ra to. Từ nhiều năm qua, anh Sơn trồng dưa hấu theo cách sử dụng màng phủ để che đậy trên mặt đất trồng.

Theo anh Sơn, mặc dù cách trồng này hơi tốn kém chi phí nhưng đổi lại nó vẫn có nhiều cái lợi như hạn chế được cỏ dại phát triển trên các giồng trồng dưa. Đồng thời, giữ được độ ẩm cho đất, hạn chế được sâu bệnh và nâng cao năng suất khi thu hoạch. Vào thời điểm này, ngày nào anh Sơn cũng đều ra rẫy dưa hấu để nhổ cỏ dại, tưới nước, phun thuốc dưỡng dây, dưỡng trái, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho rẫy dưa hấu của gia đình.

Những năm trước, nhờ trồng dưa hấu bán vào dịp Tết mà kinh tế gia đình anh Sơn đã có thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống. Năm nay cũng như những năm trước, cứ sau mùa thu hoạch lúa, nước trên cánh đồng bắt đầu rút cạn, anh Sơn lại lên giồng, xuống giống vụ dưa hấu Tết.

Anh Sơn chia sẻ: “Là nông dân thì phải bắt đất quay vòng, không cho đất nghỉ. Hết trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cá thì phải trồng cây ăn trái, hoa màu để tăng thu nhập cho kinh tế gia đình. Từ nhiều năm qua, cứ sau mùa thu hoạch lúa thì tôi trồng 1 vụ dưa hấu để bán vào dịp Tết. Tuy nhiên, muốn trồng dưa hấu đạt được năng suất cao, đòi hỏi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đất đai, thời tiết thuận lợi, người trồng dưa hấu phải có kinh nghiệm thực tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Mặt khác, khâu chọn giống cũng hết sức quan trọng”.

Dưa hấu rất cần nước. Vì vậy, những ngày trời nắng nên tưới nước 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều mát để giữ độ ẩm và giúp rễ phát triển nhanh hơn. Khi dây dưa ra từ 3 đến 4 lá nên bấm ngọn lần đầu, sau 5 đến 7 ngày dưa ra nhánh mới lúc này chỉ chọn lại 2 đến 3 nhánh khỏe, cân đối để dưa ra trái to và trái đồng đều. Thường xuyên thăm rẫy để phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng ngừa kịp thời, tránh lây lan cả rẫy dưa. Nếu làm tốt những yêu cầu trên, tôi tin chắc trồng dưa hấu sẽ cho năng suất cao.

Anh Sơn cho biết thêm, khoảng 23 tháng chạp năm nay, gia đình anh sẽ thu hoạch toàn bộ rẫy dưa hấu của gia đình để cung ứng cho thị trường Tết. Nếu 2 công dưa hấu này, từ giờ đến Tết Nhâm Dần năm 2022 không có trở ngại gì, sau khi thu hoạch trừ chi phí gia đình anh có lãi trên 50 triệu đồng. Những năm qua, nhờ trồng dưa hấu bán Tết, mà gia đình anh Sơn có thêm thu nhập và đón Tết sung túc, đầm ấm hơn.

Hiện nay, các loại bánh, mứt, tôm khô, cá khô, thịt heo khô nhà làm của hội viên phụ nữ xã Tân Thành, TP Cà Mau rất được lòng thực khách không chỉ trên địa bàn xã mà còn ở các địa phương lân cận vào những ngày Tết. Bởi tất cả đều được làm bằng phương pháp thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ vùng nông thôn nên giữ được mùi vị đặc trưng và được người tiêu dùng lựa chọn.

Gần 10 năm nay, cứ vào dịp giáp Tết chị Cao Thị Bạch (ngụ ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau) lại vào cao điểm làm khô heo để bán. Khô heo được chị Bạch làm quanh năm theo đơn đặt hàng, nhưng vào tháng kháng 11 âm lịch trở đi thì làm nhiều hơn và phải thuê thêm nhân công mới đủ khô bán. Theo bà Bạch, trước khi có ý tưởng kinh doanh, bà có mua khô heo ăn thử, thấy cũng dễ làm nên làm bán cho người quen. Từ từ thấy nhiều người thích ăn nên bà làm bán số lượng ngày càng lớn, nhất là vào những tháng Tết.

Để làm được 1 ký thịt heo khô, cần khoảng 2,5 ký thịt heo tươi, gia vị tẩm ướp chủ yếu là sả, ớt bột, đường, nước mắm, bột ngọt và đem phơi 3 nắng là có thịt heo khô thành phẩm. Sản phẩm khô heo của bà Bạch luôn mềm, thơm chớ không khô cứng. Ngoài ra, bà còn làm thêm tôm khô, mắm tôm, mứt, bánh, mỗi thứ 1 ít để khách có nhu cầu thì đáp ứng ngay, nhưng chủ yếu là khô heo. Sau khi trừ chi phí, cứ mỗi mùa Tết hộ bà Bạch cũng kiếm được từ 30 - 40 triệu đồng. Nhờ buôn bán thêm các loại khô mà thu nhập của gia đình bà cải thiện đáng kể.

 bà Trương Thị The (75 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Thành) lại tất bật

Bà Trương Thị The (75 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Thành) tất bật bên khay mứt để kịp giao cho khách (Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau).

Thâm niên ít hơn bà Bạch, mới hơn 7 năm nay, năm nào cũng vậy cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, bà Trương Thị The (75 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Thành) lại tất bật thu mua mua gừng tươi, me tươi, trái cau tươi và vỏ bưởi về làm mứt bán kiếm thêm thu nhập chi xài trong những ngày Tết. Các loại mứt được bà The làm ra đều rất thơm ngon, giá cả phải chăng nên tiêu thụ nhanh.

Theo bà The, làm bánh, mứt từ thời còn con gái, nhưng trước kia chỉ làm cho con cháu ăn trong những ngày Tết. Được mấy đứa cháu lo phần giao hàng nên tôi làm bán mấy năm nay, năm nào cũng làm mấy chục ký mứt gừng, mứt me, mứt vỏ bưởi, mứt cau. Mỗi loại mứt phải hơn 10 ngày mới cho ra thành phẩm, bởi các công đoạn đều làm thủ công từ: sơ chế nguyên liệu, ngâm muối để bớt vị cay, chua, đắng và trộn đường, phơi nắng… nhưng bù lại mùi vị của nó rất ngon nên làm mẻ nào là bán hết mẻ đó. Ngoài ra, khoảng 23 tháng chạp, bà The còn nướng thêm bánh phèo heo, bông lan, bột đậu, các loại bánh này phải làm cận tết để bánh còn mới thì ăn ngon hơn. Trừ chi phí, bà thu nhập hơn 15 triệu đồng để chi xài trong những ngày Tết.

Qua đó cho thấy, việc chị em hội viên phụ nữ xã Tân Thành, TP Cà Mau tận dụng tài khéo tay của mình vào mỗi dịp Tết, với nhiều loại bánh, mứt, cá khô, tôm khô thơm ngon, hấp dẫn nhằm mong muốn tất cả sản phẩm mình làm ra đến tay khách hàng, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập trong chị em phụ nữ, gia đình có thêm cái Tết sung túc hơn.

Viết Hiếu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm