Thị trường

Nhiều hỗ trợ, ưu đãi thu hút lao động trở lại làm việc

Sau thời gian khó khăn vì giãn cách xã hội, các DN tại Đà Nẵng đang dần hoạt động bình thường trở lại. Nhiều DN đang tích cực tuyển dụng lao động để sản xuất, kịp hoàn thành tiến độ đơn hàng cuối năm.

Cổ phiếu ngành thép sẽ còn bứt phá? / Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Cần đổi mới hơn nữa cách nghĩ, cách làm

Các DN tích cực đẩy mạnh sản xuất đơn hàng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Thời gian qua, việc duy trì sản xuất, đảm bảo đơn hàng cuối năm trong điều kiện dịch bệnh phức còn phức tạp là nỗi lo lắng của nhiều DN ở Đà Nẵng, đặc biệt những đơn vị có hàng trăm nghìn lao động.

Những ngày này, khi Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều DN đã đăng tải thông tin tuyển dụng trên trang web của mình với nhiều hoạt động hỗ trợ, ưu đãi cho người lao động, nhằm khuyến khích họ nhanh chóng trở lại làm việc.

Đơn cử như Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ có các chính sách hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR cho người lao động trước khi vào làm. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ con đi trẻ, được hưởng tháng lương thứ 13. Hay Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng cũng đăng tải thông tin tuyển dụng 500 công nhân với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là 2 số trong nhiều DN tại các khu công nghiệp Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc tìm kiếm người lao động để hoàn thành tiến độ các đơn hàng cuối năm.

Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cho hay, trên 90% người lao động của công ty đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và công ty đang dần khôi phục các hoạt động sản xuất.Dù gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, công ty vẫn tuyển dụng thêm 300 nhân viên, nhiều kỹ sư trẻ được đào tạo nâng cao chuyên môn, tay nghề.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho nhu cầu nhân lực cấp thiết, công ty đã và đang có những hợp tác và cam kết đồng hành với trường đại học, xây dựng các chương trình đào tạo, cử các chuyên gia đến nhà trường tham gia giảng dạy, tạo cơ hội lớn cho sinh viên tăng cường thực hành, thực tập và tham gia các dự án thực tế để trau dồi kỹ năng, trở thành những kỹ sư giỏi, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế của tập đoàn.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP. Đà Nẵng cho hay, các DN đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.000 lao động mới để đáp ứng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng hiện nay mới có khoảng hơn 800 lao động đăng ký tìm việc, chưa đáp ứng được nhu cầu. Sự thiếu hụt lao động là do đợt dịch vừa qua đã có rất nhiều lao động về quê tránh dịch và chỉ mới có một số ít quay trở lại làm việc.

Nhiều doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng lao động. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Linh hoạt giải pháp kết nốionline

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng cho biết, hiện trung tâm chưa tổ chức sàn giao dịch việc làm theo định kỳ, mà mới thực hiện kết nối, giới thiệu việc làm online.

Để gỡ khó cho thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới, nhiều DN và trung tâm việc làm địa phương đưa ra các giải pháp linh hoạt trong việc kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Từ ngày 1/10 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã tiếp nhận 59 đơn vị, DN đăng ký tuyển dụng với 2.600 vị trí việc làm trống. Đó là tín hiệu tích cực trong giai đoạn hiện nay.

Hiện trung tâm tiếp tục tuyên truyền, tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời DN đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động. Bên cạnh đó là tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây nguyên với tần suất 1 phiên/tháng, từ đó kết nối việc làm cho những lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch. Đây sẽ là nguồn lao động bổ sung cho Đà Nẵng trong thời gian tới.

 

Đà Nẵng đang xây dựng phần mềm "Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động" để đưa vào sử dụng trong cuối năm nay.

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, ngoài kết nối tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị, DN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Việc đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng chống dịch bệnh, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm