Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày cận Tết
EVFTA thêm cơ hội cho xuất khẩu nông sản / 3 kịch bản cho thị trường bất động sản 2020
Hiện nay, không khí mua sắm Tết tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang rất nhộn nhịp. Ghi nhận của phóng viên ở một số siêu thị lớn tại Hà Nội, như Big C Thăng Long, Aeon Mall Long Biên, Co.opmart Hà Đông, VinMart, Hapro... cho thấy, hàng hóa được bày bán rất phong phú, cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giảm giá từ 30% - 50%. Lượng khách đến mua tăng mạnh.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, năm nay các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng. Tại các hệ thống siêu thị lớn đều dành vị trí trung tâm để trưng bày, giới thiệu các mặt hàng Tết, kèm theo đó là trang trí các gian hàng đặc trưng tạo không khí Tết.
Ông Vũ Văn Thắng, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, năm nay, hàng hóa Việt Nam phục vụ tết chiếm ưu thế trên thị trường, phong phú, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân…
Không khí mua sắm hàng Tết tại Hà Nội, TP HCM đang rất nhộn nhịp. (Ảnh minh họa: KT) |
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị lớn như: Co.opmart, Vinmart, Big C, Lotte Mart,…đều dành vị trí trung tâm để trưng bày, giới thiệu các mặt hàng mới. Các siêu thị này đều phải tăng cường lực lượng thu ngân để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng. Năm nay, giá cả tại các siêu thị này vẫn ổn định, các sản phẩm như bánh, mứt, kẹo, đồ uống gần như không tăng so với các năm trước.
Bà Đỗ Thị Miền sống tại Quận 5, TP.HCM cho biết: “Tôi thấy giá phù hợp, vừa với túi tiền, giá cả không quá cao. Nó phân ra 3 mức khác nhau, có loại thì mắc hơn hẳn luôn, gia đình tôi chọn tầm trung, khoảng hơn 100.000, cũng có loại rẻ hơn dành cho những người có thu nhập thấp”.
Năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh, ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong cơ cấu hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo… do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn.
Năm nay, các đơn vị trực thuộc và công ty thành viên của Hapro chuẩn bị rất đa dạng và phong phú, từ các sản phẩm mang thương hiệu Hapro đến các đặc sản địa phương. Theo ông Vượng, hiện nay, người tiêu dùng sắm hàng Tết ưu tiên các thực phẩm, hàng hóa cần thiết, mới, lạ, có chất lượng tốt.
“Những năm gần đây, hàng Tết đã gần với thực tế thị trường, nguồn cung ứng hàng đáp ứng đủ và rất nhiều sản phẩm có thể thay thế được cho nhau. Do vậy, bà con cứ yên tâm là nguồn hàng cung ứng sẽ không có sự biến động. Việc tăng đột biến sản phẩm nào đó rất khó xảy ra trong dịp Tết này”, ông Nguyễn Tiến Vượng nói.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, mặc dù sức mua có tăng đối với một số mặt hàng nhưng các doanh nghiệp đều có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Riêng với mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp phân phối lớn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ tương đối tốt.
Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước, trong và sau Tết. Theo ông Trần Duy Đông, nguồn cung hàng hóa được các địa phương chuẩn bị chu đáo, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.
“Sát Tết là giai đoạn mà nhu cầu tiêu dùng tăng lên, cho nên các hệ thống siêu thị, đặc biệt là những siêu thị hay hệ thống phân phối mà thực hiện chương trình bình ổn thị trường cũng cam kết với Bộ Công Thương là phục vụ đến ngày 30 Tết, thậm chí buổi chiều 30 Tết. Tết năm nay, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường và ngành Công Thương vào cuộc rất sớm, rất chủ động. Chính vì thế các doanh nghiệp đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ rất sớm. Một số nơi đang sốt giá, giá tăng cao hơn thì chúng tôi có phương án điều hàng, điều phối và đề nghị những nhà phân phối lớn chung tay khi có sự mất cân đối cục bộ một số địa phương, hệ thống phân phối lớn có ngay phương án điều hàng”, Ông Trần Duy Đông cho hay”.
Để phục vụ người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tăng thời gian bán hàng và mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Hai siêu thị AEON Mall Long Biên và AEON Mall Hà Đông sẽ mở cửa xuyên Tết, từ 9h - 22h mỗi ngày. Hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K cũng hoạt động xuyên Tết không nghỉ. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chỉ nghỉ hoàn toàn ngày mùng 1 Tết và bắt đầu mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam