Những giải pháp kiến nghị để đưa nền kinh tế vượt qua “kỷ băng hà” do COVID-19
Cổ phiếu HNG chỉ được giao dịch buổi chiều từ ngày 23/4 / Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản liêu xiêu, gồng mình chờ tín hiệu lạc quan trở lại sau “bão” Covid-19
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội), đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước, Chính phủ cần có sự can thiệp vào các chính sách để tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế gặp phải do tác động của dịch bệnh. Và đã đến lúc phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Những điểm sáng lạc quan của nền kinh tế đại dịch COVID-19
Bệnh dịch kéo dài khiến kinh tế bị thiệt hại, tất cả mọi người đều hi vọng khi Chính phủ thực hiện quyết liệt những giải pháp sẽ sớm khống chế được tình trạng dịch bệnh lây lan ngay trong tháng 4 này. Tuy nhiên, với kịch bản “tươi sáng” nhất này thì nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do các yếu tố dịch. Đặc biệt là những ngành như dịch vụ, du lịch, logistic hoặc là những ngành công nghiệp về chế tạo, chế biến. Dù vậy, có những ngành đang có các triển vọng rất tốt và vẫn là những điểm sáng, là những trụ đỡ cho nền kinh tế, như lĩnh vực về nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực.
PGS.TS Hoàng Văn Cường cho biết: “Năm nay là một năm vừa được mùa, vừa được giá. Những sản phẩm của nông nghiệp cũng đang là những điều kiện để tạo ra sự ổn định cho xã hội, kể cả trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng có những ngành khác, như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, viễn thông. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta thúc đẩy mạnh hơn việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong rộng khắp các hoạt động về đời sống xã hội và các hoạt động quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rằng dù chúng ta có khống chế được dịch bệnh này sớm thì, báo cáo cũng đã chỉ ra, nền kinh tế cũng không thể phục hồi ngay. Có chăng chúng ta cũng phải đạt được việc phục hồi trở lại nền kinh tế vào khoảng cuối quý II của năm 2020 với kịch bản là chúng ta khống chế được dịch bệnh sớm nhất”.
Để khắc phục những khó khăn mà dịch bệnh gây ra, Chính phủ đã và đang đầu tư toàn bộ nguồn lực vào chống dịch. Đây là một giải pháp trọng tâm, bởi chống dịch nhanh và tốt sẽ tăng cơ hội cho nền kinh tế phục hồi sớm. Cùng với đó là các giải pháp để giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp, như các chi phí, đóng góp mà doanh nghiệp đang phải chi trả, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động vượt qua khó khăn.
Để phục hồi một cách hiệu quả và bứt phá nhanh hơn, chuyên gia kinh tế cho rằng cần thực hiện đầu tư, hỗ trợ để tạo ra một sự phát triển bứt phá lâu dài của nền kinh tế, như đầu tư để tái cấu trúc lại nền kinh tế, tái cấu trúc lại bản thân các doanh nghiệp hoặc tạo ra một sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để tạo ra một chuỗi cung ứng và tạo ra được các điều kiện về chất lượng sản phẩm, thay đổi được các thị trường để tiếp cận được thị trường ngay sau khi dịch bệnh được chấm dứt.
Chính phủ cần có giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau COVID-19
Để đưa nền kinh tế thoát khỏi “kỷ băng hà” sau dịch COVID-19, tiếp đà phát triển như trong những năm vừa qua, các chính sách cũng cần nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn. Hình thành rõ các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn và các gói chính sách giải cứu nền kinh tế trong dài hạn. Kiến nghị một số giải pháp cụ thể, các nhóm giải pháp của ngân sách và các tổ chức tín dụng; giải pháp của Bộ Tài chính cũng như giải pháp hỗ trợ BHXH cho các doanh nghiệp và an sinh xã hội.
PGS.TS Hoàng Văn Cường cho hay, với nguồn lực ngân sách hạn chế, để đối phó với dịch bệnh COVID-19, Chính phủ cần dựa vào sự tham gia của toàn dân chứ không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Chính phủ. Khi dịch bệnh diễn ra, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại. Nhưng cần phải coi đó như là một loại rủi ro mà bất cứ doanh nghiệp nào khi kinh doanh cũng đều cần phải sẵn sàng gánh chịu. Vì thế, Chính phủ trước hết cần truyền tải thông điệp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải có các giải pháp để tự cứu mình và cứu lẫn nhau là chính.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng bất động sản cần giảm hoặc giãn tiền thuê cho các doanh nghiệp đi thuê. Các tổ chức tài chính-ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh để khoanh nợ, giãn nợ, hoặc đàm phán lại các điều khoản vay nợ sao cho phù hợp với tình hình mới.
Chính phủ cũng cần tập trung các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về doanh nghiệp, nhưng Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt thông tin lẫn khía cạnh pháp lý để gỡ các vướng mắc liên quan đến xuất, nhập khẩu trong thời kỳ các quốc gia đều xây dựng các hàng rào liên quan đến lưu thông hàng hóa và con người trong giai đoạn dịch bệnh.
Cùng với đó, Chính phủ có thể áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế VAT, thuế TNDN và BHXH cho các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng do dịch cúm hoặc cho phép các tỉnh, thành sử dụng Quỹ dự trữ tài chính địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng. Đây là chính sách Chính phủ có thể cân nhắc để bảo tồn được năng lực sản xuất tại những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh suất thuế TNDN (như giảm về mức 15%), nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng VAT. “Giải pháp này không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại. Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn khi dịch bệnh vừa kết thúc”, PGS.TS Hoàng Văn Cường nhận định.
Ngoài ra, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Chính phủ cần kiên định không lạm dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Bất cứ sự biến động mạnh nào về giá cả đều khiến người dân giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế. Vì thế chính sách tiền tệ chỉ nên dừng ở mức độ đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tài chính – ngân hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động