Thị trường

Những thách thức đối với kinh tế Việt Nam 2019 và vai trò của CFO

Tính bất định của nền kinh tế trong môi trường thay đổi, hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và thách thức về chuyển đổi số trong ngành tài chính là mối quan tâm của hầu hết doanh nhân thế giới trước thềm 2019.

Giới tỷ phú trên thế giới "mưu đồ" gì khi đổ xô mua lại các báo giấy nổi tiếng đang trên đà sụt giảm? / Hé mở nguyên nhân vụ tai nạn máy bay khiến tỷ phú Vichai tử nạn

Làm thế nào để giảm thiểu tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Trong hội nghị Giám đốc tài chính (CFO) thế giới lần thứ 48 tổ chức tại TP. HCM ngày 15/11, chia sẻ về những rủi ro lớn nhất với nền kinh tế năm 2019, TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội VACD cho rằng: “Rủi ro lớn nhất là các quy định pháp lý của Việt Nam, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và xã hội. Chúng ta phải hợp tác cùng Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với thế giới.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam hơi khác biệt, trong hơn 600 ngành doanh nghiệp Việt đang hoạt động chỉ có 1,3% doanh nghiệp lớn, 1,4% doanh nghiệp trung bình, còn lại gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải có khung pháp lý phù hợp với nền công nghiệp 4.0 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng ta thực ra mới trong giai đoạn 1.0 thôi, đó là lý do các hiệp hội doanh nghiệp phải tìm sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, vì chúng ta đang gặp phải thách thức rất lớn”.

Hội nghị CFO thế giới 2018 quy tụ hơn 500 đại biểu tham dự.

Hội nghị CFO thế giới 2018 quy tụ hơn 500 đại biểu tham dự.

Theo ông Teng Theng Dar, Nhà sáng lập Asia Entrepreneurs Exchage, trong tương lai, có thể thấy Việt Nam là điểm đến an toàn, ký kết CPTPP với 11 nền kinh tế, ít nhất có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường mới ở khu vực Thái Bình Dương, còn chính sách của Hoa Kỳ thì chưa thể dự đoán được.

Thách thức lớn nhất với Việt Nam bây giờ là làm thế nào dịch chuyển sang chuỗi cung ứng mới, trở thành ứng viên cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới? Muốn thế, phải đầu tư vào chuỗi hạ tầng: Hạ tầng vĩ mô là điểm trừ của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy nhiều bất ổn, dễ bị hoang mang. Trong môi trường đầy bất ổn của thế giới, hơn lúc nào hết Việt Nam cần đưa ra thông điệp sắc bén hơn, trở thành môi trường đầu tư ổn định nhất trong bất ổn toàn cầu.

Trong khi đó, Giáo sư Ian Alexxander Eddie của VinaCapital & RMIT cho rằng, hiện nay năng lực kinh tế của Việt Nam chủ yếu đến từ khối FDI, để giảm thiểu rủi ro đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cần củng cố sức mạnh nội lực của doanh nghiệp Việt, xây dựng giáo dục và năng lực quản lý cho từng ông chủ. Cần hướng về thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và 600 triệu dân của ASEAN để xây dựng kỹ năng lao động, từ đó mới có thể nắm bắt được các cơ hội trong khu vực trước khi đi xa hơn

Nhấn mạnh đến chất lượng lao động của Việt Nam, ông Fausto Cosi, Chủ tịch IAFEI cho biết: "Châu Âu hiện tăng trưởng thấp hơn châu Á. Nước Ý cũng có bối cảnh kinh tế tương đồng Việt Nam, có rất nhiều công ty nhỏ, thách thức lớn nhất là làm sao tạo ra các thương hiệu có giá trị trên thị trường thế giới. Đây cùng là xu hướng của nền kinh tế Ý trong nhiều năm qua. Chúng tôi cũng cảm thấy bất ổn khi Anh ra khỏi liên minh châu Âu, Tổng thống Trump đang áp dụng các biện pháp cứng rắn với cả châu Âu nữa.

 

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam, cần hạ tầng luật pháp rõ ràng, ổn định. Chúng tôi sợ nhất là đầu tư vào đây, năm sau luật lại thay đổi. Mấu chốt thứ hai là chất lượng lao động phải tương ứng với toàn cầu. Bước chân vào thị trường tài chính Việt Nam, chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro, không ngại trả lương cao cho người lao động.

Câu trả lời là giáo dục, tôi rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam dành 5,7% chi phí ngân sách nhà nước cho giáo dục, đó là con số cực kỳ cao. Đây là nhu cầu thiết yếu, vì gần 40 dân số Việt Nam dưới 25 tuổi, chân dung nhân khẩu học cực kỳ tuyệt vời, chúng ta có thể nâng cao chất lượng lao động. Việc tiền lương không phải là vấn đề, chúng tôi muốn giải quyết chất lượng lao động trong thời gian ngắn nhất”.

Đồng quan điểm, ông Hiroaki Endo, tư vấn cấp cao Hiệp hội Giám đốc tài chính Nhật Bản cũng cho rằng: “Nhật Bản là nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, đây là điểm tương đồng với Việt Nam, nếu hệ thống thương mại quốc tế sụp đổ sẽ chịu tác động nặng nề. Nhưng phần lớn tranh chấp thương mại là từ Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam có thể là cơ hội khi Honda sẽ không giao cho người Trung Quốc sản xuất nữa.

Nhật đang xuất khẩu rất nhiều nhưng phải dịch chuyển sản xuất của mình, đưa đến Việt Nam, Indonesia hay đất nước nào phù hợp nhất? Việt Nam trong tương lai muốn trở thành điểm đến dịch chuyển sản xuất trong khu vực phải giảm thiểu rủi ro bằng củng cố hạ tầng của mình, nâng cao tính cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất, mới thu hút được đầu tư nước ngoài. Các bạn có một nền ẩm thực rất tuyệt vời, có thể trở thành điểm thu hút của thế giới”.

CFO phải làm gì trước thách thức bất ổn toàn cầu?

 

Chủ tịch IAFEI Fausto Cosi nhấn mạnh đến tầm nhìn chiến lược của CFO: “Phát triển kinh tế lên xuống theo chu kỳ hình sin, tôi tin tất cả các công ty đều có cơ hội, các giám đốc tài chính sẽ phải chỉ ra định hướng cho các ông chủ cần đầu tư cái gì, đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là đủ?

CFO cắt giảm chi phí chưa đủ, phải chủ động trong việc thúc đẩy tổ chức đổi mới sáng tạo bằng công nghệ, vì cạnh tranh là toàn cầu, sản phẩm làm ra ở Ý cũng tương đương ở Việt Nam. Để giữ thị trường thì khả năng sáng tạo đổi mới là quan trọng nhất, là bí quyết tạo ra thị trường mới cho sản phẩm của mình”.

Giáo sư Ian Alexxander Eddie lại nhấn mạnh đến việc CFO phải chia sẻ thông điệp xa hơn, mục tiêu lớn hơn cho các cổ đông của mình khi dịch chuyển đầu tư: “Nếu doanh nghiệp đang đầu tư ở Việt Nam, CFO phải nêu rõ cho cổ đông biết giá trị sẽ đạt được trong khoản đầu tư này. Nếu là công ty niêm yết, phải hiểu tầm nhìn, định vị giá trị của doanh nghiệp, chia sẻ cho CEO, HĐQT và cổ đông hiểu được. Nếu chỉ có những cổ đông mua đi bán lại sẽ tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, nên phải chia sẻ thông điệp xa hơn, mục tiêu lớn hơn cho các cổ đông của mình để họ yên tâm với suất đầu tư lâu dài”.

Phân tích điểm khách biệt giữa CFO châu Âu và châu Á, ông Teng Theng Dar nhìn nhận: “CFO truyền thống của châu Á, đặc biệt doanh nghiệp gia đình thường nhận lệnh từ người chủ và đưa ra số liệu cần thiết. Đó không phải là CFO thực sự, ngoài đưa ra những con số, phải tìm kiếm đâu là những bất cập còn tồn tại để đóng góp ý tưởng, tăng năng suất bằng cách tăng năng lực, với những quy trình mới.

CFO phải là nhà vô địch để đóng góp, tư vấn và phân tích rủi ro từ những con số, để có kế hoạch dự phòng, hãy dùng con số để thuyết phục, để tăng năng suất cho tổ chức. Tôi đã làm cho các tổ chức, nhưng ít thấy CFO làm giỏi ba tiêu chí này, để có thể lên chiến lược tài chính hiệu quả cho HĐQT.

 

Nhiều quốc gia khi phân tích các chỉ số kinh tế chỉ nói đến hàng hóa nhưng thương mại dịch vụ mang lại giá trị lớn, tăng trưởng 40% rất ấn tượng. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp startup tham gia công nghệ, cần phải có các cố vấn chuyên gia về tài chính, tìm ra mô hình thương mại dịch vụ tăng trưởng, đặc biệt với mảng startup. Ai là người cung cấp dịch vụ tài chính cho các startup?

Đừng quá quan tâm vào thị trường truyền thống là các công ty lớn, những tay chơi mới là startup chính là khách hàng của quý vị. 90% người sống ở Indonesia chưa có tài khoản ngân hàng, đây chính là lúc tạo thay đổi để thu hẹp khoảng cách số trong ngành ngân hàng”.

Các diễn giả cũng đi sâu phân tích về ứng dụng công nghệ Blockchain trong thị trường tài chính, tạo lòng tin cho các nhà xuất nhập khẩu, làm cho các hoạt động thương mại quốc tế hiệu quả hơn. Mặc dù chu kỳ phát triển đang chậm lại nhưng trong môi trường đang phân tán hiện nay, ứng dụng Blockchain sẽ có thay đổi tích cực, phát triển công nghệ ngày càng tăng tốc, tạo sự biến đổi mạnh mẽ

“Cấu trúc thương mại quốc tế chắc chắn sẽ thay đổi, CFO và CEO phải đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo ngay công ty mình, chứ không thể chờ ai mang đến. Kinh tế Mỹ lấy đổi mới sáng tạo nghiên cứu làm mũi nhọn phát triển, đó là bài học đáng giá cho Nhật Bản. Việt Nam hãy đi theo con đường đổi mới để tăng trưởng”, ông Hiroaki Endo kết luận.

1
Theo theleader.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm