Thị trường

Ninh Thuận: Làm giàu từ trồng cây táo

Táo đã trở thành cây trồng chủ lực và là cây làm giàu của người dân Ninh Thuận. Vùng đất khô nóng này trái táo rất ngon, cần được đầu tư, quảng bá vươn xa.

Hà Tĩnh: Thoát nghèo nhờ... những chiếc lu / Kiên Giang: Người nuôi tôm có thu nhập ổn định nhờ xen canh

Những vườn táo căng mọng trái

9 giờ sáng, bà Phạm Thị Chín và hai người làm công đưa tay thoăn thoắt hái những trái táo căng mọng ở trên cao cho vào giỏ.

Vừa làm, nữ nông dân vừa thổ lộ: “Còn tiếng nữa thôi là nắng gắt nên phải tranh thủ. Ở xứ này, cứ 10 giờ đến tầm 15 giờ là nắng khiếp lắm, làm không nổi”.

Bà Phạm Thị Chín trồng táo trên diện tích vườn 1 sào (1 sào 1.000m2) ở xứ đồng Gò Mả, thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã trồng được hơn chục năm nay. Toàn bộ cây tại đây có gốc xù xì với đường kính thân lên đến 30-40cm, cao trên 2m.

Cây táo cho thu nhập cao nên những năm gần đây, nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích lúa và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cây táo cho thu nhập cao nên những năm gần đây, nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích lúa và các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ở phía trên, cành cây được cắt tỉa một cách cẩn thận tạo ra những tán xòe hình nấm. Các cành nhỏ tỏa ra, nằm trên giàn thép nhỏ và cứ thế bung hoa, kết trái căng mọng.

Ở góc vườn, ông Trương Thanh Đức (chồng bà Chín) cho táo vừa hái vào những bao tải lớn rồi chất lên xe máy, chuẩn bị chuyển ra bán cho vựa trái cây gần nhà. Ông Đức cho hay, những năm gần đây, cây táo đã cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm, vườn cho thu hoạch 2 vụ với sản lượng mỗi vụ khoảng 5-6 tấn/sào.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, để cây sinh trưởng tốt, gia đình ông Đức duy trì nguồn nước tưới và bón phân một cách đầy đủ. Mỗi vụ, trên diện tích 1 sào, gia đình ông bỏ chi phí chăm sóc khoảng từ 6-7 triệu đồng.

Hiện nay, các giải pháp về giống, kỹ thuật chăm sóc để nâng cao hiệu quả cây táo được ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện. Ảnh: Ngọc Thăng.

Hiện nay, các giải pháp về giống, kỹ thuật chăm sóc để nâng cao hiệu quả cây táo được ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan nghiên cứu thực hiện. Ảnh: Ngọc Thăng.

 

Với giá táo mọi năm bán bình quân từ 7.000 - 8.000 đồng/kg thì một sào táo có thu nhập khoảng 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 40 triệu đồng. Còn vụ táo năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, nên giá táo thấp hơn, hiện thương lái chỉ thu mua với giá 6.000 đồng/kg, tuy nhiên với giá này thì người trồng táo vẫn có lãi.

Cách khu vườn của ông Đức không xa là vườn của gia đình anh Lâm Thế Hùng. Dưới tán cây xanh mát, trải rộng, vợ chồng anh Hùng cũng đang gấp rút thu hoạch táo trước 11h trưa để tránh cái nắng đổ lửa.

Trên 1ha diện tích, mỗi năm, nhà vườn có thể thu về 60 tấn táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

Trên 1ha diện tích, mỗi năm, nhà vườn có thể thu về 60 tấn táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

 

Cầm quả táo đến độ chín, vỏ căng mọng, nông dân này mời khách nếm thử và không ngừng giới thiệu: “Ninh Thuận nắng gắt là thế, đất đai có vẻ cũng chả màu mỡ gì nhưng táo lại ngon, ngọt nức tiếng. Trái có vỏ mỏng, thịt mọng nước và ngọt lịm. Ai đến thăm vườn, ăn thử cũng khen”. Đúng như lời giới thiệu, táo ở vườn gia đình anh Hùng quả nào cũng căng tròn, ngon ngọt đặc biệt.

Vào khoảng 10 năm trước, khu vườn táo của gia đình anh Hùng là ruộng lúa. Thời bấy giờ, anh nhận thấy hiệu quả của cây lúa không cao nên đã cải tạo đất và chuyển sang làm táo. Cũng kể từ đó, khu vườn khoác lên màu xanh quanh năm với trái ngọt lúc lỉu khắp cả giàn.

Nhìn lên tán cây xanh mát, anh Hùng không giấu được niềm vui, thổ lộ: “Cây hợp khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất rất cao. Chất lượng trái cũng tốt nên làm được bao nhiêu, thương lái thu mua hết đến đó”.

Cũng theo anh Hùng, khu vườn trồng táo 2 sào hiện nay mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Tuy nhiên, để tạo ra nông sản chất lượng cao, trái đều, anh tập trung vào chăm sóc theo hướng để cành thưa, không tham lượng trái trên cây. Cũng chính ở phương pháp này, trái trên cây của gia đình anh ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, thối lụn.

 

Theo anh Phạm Thế Toàn, nhà cũng trồng 2 sào táo ở thôn Trường Thọ, những năm qua giá táo bình quân 8.000-10.000 đồng/kg. Với diện tích khoảng 1ha, nhà vườn có thể đạt lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Với tình hình dịch bệnh, táo khó tiêu thụ, vụ táo này gia đình anh đã chuyển qua làm táo sấy, dù vất vả hơn nhưng táo sấy bán được với giá 100.000 đồng/kg, trong khi đó để làm ra 1kg táo sấy chỉ hết 5kg táo tươi.

“Táo là cây trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao ít có loại cây trồng nào sánh bằng. Ở cùng đơn vị diện tích, cây táo có giá trị cao gấp nhiều lần so với cây lúa”, anh Toàn chia sẻ.

Nâng cao kỹ thuật sản xuất

Để nâng cao chất lượng nông sản, những năm gần đây, người trồng táo ở Ninh Thuận đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất. Trong đó đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới bài bản và mang lại hiệu quả cao.

 

Người dân xây dựng nhà lưới để nâng cao chất lượng quả táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

Người dân xây dựng nhà lưới để nâng cao chất lượng quả táo. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ông Nguyễn Thế Toàn, hộ dân đầu tiên làm mô hình nhà lưới ở xứ đồng Gò Mả, thôn Trường Thọ cho biết, khoảng 3-4 năm trước, người làm vườn phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do ruồi vàng xuất hiện đục trái. Nhiều vườn bị ảnh hưởng nghiêm trọng với trên 50% sản lượng trái hư hỏng, buộc đổ bỏ.

 

“Từ khi xây dựng nhà lưới, cây trái được bảo vệ tuyệt đối trước sự xâm hại của sâu, bướm, đặc biệt là ruồi vàng”, ông Toàn thổ lộ.

Theo ông Lưu Quang Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước), địa phương có khoảng 154ha táo và nông dân đang hướng đến mô hình xây dựng nhà lưới với tỷ lệ đã đạt được khoảng 50%.

“Người làm vườn giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật và sản lượng trái đạt tiêu chuẩn cao hơn so với trước đây. Do vậy, chính quyền địa phương khuyến khích người dân xây dựng nhà lưới để sản xuất”, ông Lưu Quang Vinh chia sẻ và cho biết thêm, địa phương đang quy hoạch triển khai xây dựng vùng táo chất lượng cao trong xã với diện tích 20ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho hay, toàn tỉnh có trên trên 1.000ha táo và đang phấn đấu mở rộng lên 2.000ha trong những năm tới. Việc chuyển đổi cây táo trên đất lúa đã được tỉnh thực hiện từ 5 năm trước và đến nay đã chuyển đổi trên 70ha.

Theo ông Nguyễn Tin: “Tỉnh và ngành nông nghiệp có các chương trình hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng như hỗ trợ chi phí giống, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông đang thực hiện dự án của Bộ NN-PTNT là hỗ trợ 70% chi phí giống ở vùng chuyển đổi, hỗ trợ 50% vật tư, phân bón”.

 

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, hiện tại, mô hình nhà màng lưới chống côn trùng đang được mở rộng. Đây là một trong những biện pháp căn cơ, bài bản, lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm