Thị trường

Hà Tĩnh: Cả dòng họ "hái ra tiền" nhờ trồng trầu không tiến vua

Bằng bí kíp gìn giữ qua hàng trăm năm, các gia đình thuộc dòng họ Phạm Công ở thôn Văn Sơn xã Đỉnh Bàn - huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã “sống khỏe” bằng nghề trồng cây trầu không “tiến vua”.

Kiên Giang: Người nuôi tôm có thu nhập ổn định nhờ xen canh / Ngân hàng chung tay cởi nút thắt về vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Về làng Văn Sơn xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thật thích thú khi ngắm nhìn những khu vườn trồng cây trầu không xanh mướt.

Trầu được trồng thành lối thẳng tắp chẳng khác những vườn tiêu ở Tây Nguyên. Ở làng quê bé nhỏ, nhưng luôn có khách hàng từ xa đánh cả xe máy, thậm chí ô tô tới nhập lá trầu đem đi nhập khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Cả dòng họ hái ra tiền nhờ trồng trầu không tiến vua - 1

Những vườn trầu xanh mướt ở làng nghề Văn Sơn

Ông Nguyễn Viết Hải- Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, toàn xã có trên 200 hộ trồng trầu không, phần lớn tập trung ở thôn Văn Sơn. Đáng chú ý, gần như hộ dân nào của dòng họ Phạm Công ở thôn Văn Sơn đều trồng cây trầu không.

“Đây là dòng họ có truyền thống trồng cây trầu không. Họ có bí kíp trồng nên trầu không ở đây nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng. Thơm ngon nên tương truyền trầu ở đây từng được tiến vua. Hiện nay thương lái gần xa luôn tìm đến tận vườn thu mua. Các hộ dân trong dòng họ này có thu nhập khá”- ông Hải cho biết.

Ông Phạm Công Nhớ - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Phạm Công là một trong những hộ sở hữu vườn trầu lớn ở làng nghề trồng trầu không này 230 gốc, trong đó có những gốc tuổi đời hàng chục năm. Hiện mỗi ngày gia đình ông Nhớ có thu nhập từ vài trăm nghìn đồng trở lên. Dịp lễ tết có khi bán được hàng triệu đồng tiền trầu không mỗi ngày.

Cả dòng họ hái ra tiền nhờ trồng trầu không tiến vua - 2

Ông Nhớ đang chăm sóc vườn trầu cho nguồn thu lớn gấp nhiều lần trồng lúa của mình.

Với 200 gốc trầu cho thu hoạch thường xuyên, gia đình chị Ngô Thị Châu (thôn Văn Sơn) cũng sống ổn từ loại cây truyền thống này với thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm.

 

Chị Châu cho biết: “Trầu cứ thu hoạch đến đâu là có người thu mua tận vườn đến đó. Mặc dù mỗi ngày tôi hái được khoảng 1.500 lá nhưng hầu như không đáp ứng được số lượng thương lái yêu cầu”.

Cả dòng họ hái ra tiền nhờ trồng trầu không tiến vua - 3

Mỗi ngày gia đình bà Châu hái 1.500 lá trầu, tất cả được thương lái thu mua hết.

Theo những người trồng trầu lâu năm trong vùng, trồng và chăm sóc cây trầu “dễ mà khó”. Dễ bởi cây trầu sống khỏe, cho lá quanh năm, lại thêm chất đất ở đây phù hợp. Nhưng muốn có được những lá trầu vừa to đẹp, cay nồng, thơm ngon thì không phải ai cũng rành kỹ thuật chăm sóc

Chị Châu chia sẻ, để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, người trồng phải thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3-5 lá. Ngoài ra, mùa hè phải tưới nước hàng ngày; mùa đông thì căn lượng nước vừa phải để không làm úng gốc trầu...

Cả dòng họ hái ra tiền nhờ trồng trầu không tiến vua - 4

Trầu không ở làng Văn Sơn nổi tiếng thơm ngon với lá trầu dày, vị cay nồng đặc trưng.

 

Ông Phạm Công Nhớ cho biết: “Gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, bao đời nay, con cháu họ Phạm Công đều trồng trầu. Hiện nay, 80% hộ gia đình trong dòng tộc có vườn trầu với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Cây trầu không vừa là nguồn thu nhập chính của bà con, đồng thời cũng là một trong những sản vật quý giá của cha ông để lại”.

Với truyền thống lâu năm, chất lượng trầu thơm ngon nức tiếng, làng trồng trầu không thôn Văn Sơn, mà đại diện là dòng họ Phạm Công đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc”, công nhận trồng trầu ở thôn Văn Sơn là nghề truyền thống Việt Nam.

Cả dòng họ hái ra tiền nhờ trồng trầu không tiến vua - 5

"Bảng vàng gia tộc" mà Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng cho dòng họ Phạm Công. Ảnh: Kiều Minh.

Ông Nhớ tự hào: "Danh hiệu trên là niềm vui lớn của các thế hệ con cháu dòng họ nói riêng, người dân thôn Văn Sơn nói chung. Cây trầu đã nuôi sống người dân bao đời nay nên chúng tôi luôn động viên con cháu, người dân trong vùng phát triển để vừa nâng cao thu nhập, vừa bảo lưu giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của cha ông”.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm