Tây Ninh: Thành công với mô hình nuôi gà “bán chăn thả”
Bà Rịa-Vũng Tàu: Nuôi gà bằng thảo dược mang lại hiệu quả kinh tế cao / Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình nuôi vịt “sạch”
Trang trại gà “khủng” này thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Năng Lân, ở thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Then chốt là con giống
Trại gà của ông Lân nuôi bán chăn thả, ngoài hệ thống chuồng bình thường, còn có khu vườn rộng hơn 2ha, thông thoáng và nhiều cây cỏ, côn trùng.
Mặc dù không phải nuôi trong chuồng lạnh công nghiệp, gà vẫn sống chủ yếu ngoài thiên nhiên, nhưng trước khi vào tham quan trang trại, chúng tôi cũng phải mặc đồ bảo hộ, cởi giày dép để bên ngoài, sau đó mang đôi dép của trại, và nhúng cả đôi chân vào khay nước sát khuẩn.
Ông Nguyễn Năng Lân, chủ trang trại gà khủng ở Tây Ninh. Ảnh: Hồng Thủy.
Ông Nguyễn Năng Lân, chủ trang trại cho biết, mặc dù gà nuôi thả, nhưng vẫn trong khuôn viên khép kín, nên vẫn phải sát khuẩn, phòng dịch.
Ông Lân quê tỉnh Hà Nam, cả gia đình ông chuyển vào Tây Ninh làm kinh tế mới ngót 30 năm. Khoảng thời gian ấy, gia đình ông đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn kéo dài.
Năm 2014, tình cờ xem tivi thấy nhiều mô hình nuôi gà ta ở Bình Phước rất thành công, cha con ông Lân tìm lên tận nơi học hỏi. Sau đó mua 300 con giống về nuôi thử. Đàn gà phát triển khá tốt. Nhưng do lai giống gà Tam hoàng hơi nhiều nên khó bán.
Đàn gà được bay nhảy, leo trèo trên những hệ thống giá gỗ như thế này, giúp chất lượng thịt ngon hơn. Ảnh: Hồng Thủy.
Sau đó, cha con ông tiếp tục mày mò, tìm hiểu thêm nhiều giống gà khác. Cuối cùng, ông quyết định chọn nuôi thử giống gà của công ty Lượng Huệ, Hải Phòng.
“Sau khi tìm hiểu thêm nhiều giống gà khác, tôi thấy giống gà này là phù hợp hơn cả bởi màu lông, mẫu mã đẹp, trọng lượng không quá to, lại có nhiều nét tương đồng gà địa phương Tây Ninh, nên tôi đã liên lạc với công ty cung cấp giống”, anh Nguyễn Năng Liêm, con út ông Lân kể.
Năm 2016, gia đình ông Lân quyết định chuyển đổi một phần vườn cao su 2,5ha, đầu tư chuồng trại nuôi gà và lặn lội ra tận Hải Phòng mua 3.000 con gà giống thuộc 2 dòng gà ta lai nòi và gà ri về nuôi.
Vừa nuôi, anh Liêm và gia đình vừa tìm hiểu, áp dụng quy trình kỹ thuật mới nên công việc chăn nuôi có nhiều thuận lợi. Đàn gà lớn nhanh và mẫu mã rất đẹp.
Sau 2 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 2,2 đến 2,5kg. Đáng mừng hơn là thịt gà ngon, thơm, chắc nhưng không bị khô, khác hẳn các loại gà gia đình đã từng nuôi.
Sau đợt nuôi đầu thành công, ông Lân nhận thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển chăn nuôi gà ta thả vườn trên đất Tây Ninh nên đã đầu tư toàn bộ vốn liếng, công sức cho trang trại.
Toàn bộ tiền lãi thu được từ đợt nuôi đầu tiên, ông dành đầu tư hết vào xây dựng chuồng trại và tăng quy mô đàn.
Cứ thế, đàn gà tăng dần, từ 3.000 lên 10 ngàn con. Và hiện nay, đàn gà của gia đình ông Lân “đông như kiến”, lên đến hơn 60.000 con, đủ các độ tuổi, để “gối đầu”, có hàng cung cấp liên tục.
Trang trại đáng mơ ước
Ông Lân kể, ban đầu, vì muốn giảm chi phí đầu tư, nên 3 cha con ông lên kế hoạch tự sản xuất con giống, nuôi gà bố mẹ lấy trứng, đầu tư máy ấp trứng, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ ấp nở thấp, không làm vacxin đúng quy trình, vệ sinh chuồng trại không triệt để khiến đàn gà mắc bệnh chết hàng loạt.
“Sau lần thất bại này, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là không được vội vàng, phải nắm vững kỹ thuật, quy trình nuôi.
Phải có con giống tốt, thiết kế chuồng trại khoa học, môi trường đảm bảo trong việc phòng dịch. Tuân thủ quy trình vaccine, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi”, anh Nguyễn Năng Cường, con trai ông Lân cho biết.
Anh Nguyễn Năng Cường, con trai lớn ông Lân, bên con gà ta lai nòi. Ảnh: Hồng Thủy.
Theo quan sát, hệ thống chuồng gà được làm theo kiểu truyền thống, thiết kế khá thoáng. Dưới nền chuồng có đệm sinh học bằng vỏ trấu. Nhờ lớp đệm này, một vòng đời gà, chỉ phải dọn vệ sinh nền chuồng 1 lần. Phân gà cũng khô, tơi, không thấm, bết xuống nền chuồng.
Ngoài ra, trên mái chuồng được bố trí những quả cầu hút gió, nhằm hút giảm lượng khí độc bên trong chuồng ra. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, toàn bộ hệ thống chuồng trại được phun thuốc sát khuẩn, khử trùng.
Phần lớn thời gian đàn gà được thả ra ngoài khu vườn rộng 2ha, tại đây chúng có thời gian chạy nhảy, kiếm mồi côn trùng, ăn cỏ… chính vì thế, ngoài việc giảm được một phần đáng kể thức ăn, đàn gà còn cho chất lượng cao. “Nếu cho ăn bắp sớm, giảm cám, thì da gà có màu vàng rất đẹp. Luộc lên, nhìn con gà vàng ruộm như bôi nghệ, rất bắt mắt. Còn khi ăn thì thịt thơm, ngọt”, ông Lân cho biết.
Để bảo vệ sức khỏe đàn gà, định kỳ gà được ăn thức ăn trộn vacxin để phòng bệnh và tăng sức đề kháng.
Riêng nước uống cho gà, cũng được trộn chế phẩm vi sinh và kháng sinh phòng bệnh bằng thảo dược qua hệ thống cung cấp tự động nhỏ giọt.
“Ưu điểm của hệ thống ăn uống nước tự động là đàn gà không phải chen chúc giành ăn, không nhảy lên làm lật máng.
Đặc tính của gà thả vườn là rất hiếu động, chúng hay bay nhảy, phá phách. Nên nếu dùng hệ thống cho uống nước thủ công bằng máng, ngoài việc rất mất thời gian, còn dễ bị chúng nhảy lên, lật máng, đổ nước, làm ướt nền chuồng”, anh Cường nói.
Ông Trần Văn Hạnh, một chủ nhà hàng khá lớn ở thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu, cho biết: “Mấy năm nay tôi toàn lấy gà của trại ông Lân, thịt ngon mà giá hợp lý. Khách đến nhà hàng này toàn đoàn khách từ các nơi lên tham quan Núi Bà, đặc biệt là khách từ Sài Gòn lên, ăn gà của trại ông Lân, họ rất thích”.
Hiện nay, nguồn gà của ông Lân được khá nhiều nhà hàng, quán ăn lớn ở TP Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM đặt mua thường xuyên.
“Năm ngoái, lợn bị dịch tả châu Phi, nguồn thực phẩm từ heo khan hiếm, giá cao, nên gà của tôi có bao nhiêu hết bấy nhiêu.
Nhưng tôi cũng vẫn bán bình thường chứ không lợi dụng nâng giá. Năm nay, dù dịch tả heo đã hết, nhưng nguồn cung thịt lợn vẫn khan, giá vẫn cao.
Nắm trước tình hình, nên cuối năm ngoái tôi đầu tư thêm. Không ngờ vừa Tết xong là dính ngay cái dịch cúm Covid-19. Chắc chắn đầu ra sẽ khó khăn hơn”, ông Lân nói.
Trang trại gà “khủng” của gia đình ông Lân hiện là niềm mơ ước của nhiều nông hộ, bởi với nhiều người chăn nuôi, phải mất 5-10 năm mới có thể tạo ra một cơ ngơi như thế.
Hiện nhiều gia đình bà con với ông Lân như cô chú, anh chị em ruột, và mấy người cháu của ông Lân cũng đã chuyển sang nuôi gà. Họ có những khởi đầu tốt đẹp và thuận lợi hơn ông Lân khi không phải tự mày mò quy trình chăn nuôi, mà được tư vấn khá kỹ từ những người đi trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam