Nông dân Hậu Giang làm giàu với mô hình làm nông thông minh
Thời gian qua, nhiều nông dân ở ĐBSCL không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn biết áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất. để mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống. Việc nghiên cứu, đầu tư làm nông thông minh, theo hướng thuận thiên đã mở ra con đường mới cho người nông dân nơi đây với thu nhập mang lại cao gấp nhiều lần so với trước đây.
Ông Tô Chí Thâm ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, ông có 6.000m2 đất trồng nhãn nhưng sau đó nhãn bị bệnh chổi rồng cho năng suất rất thấp nên ông và những nông dân nơi đây đã tìm đến với cây chanh không hạt.
Hiện những nông dân trồng chanh không hạt trong xã đã cùng nhau thành lập nên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước để cùng nhau trao đổi kỹ thuật trong sản xuất, chăm sóc cây chanh này cũng như tìm thị trường tiêu thụ.
Từ 19 xã viên ở buổi đầu, đến nay Hợp tác xã này đã tăng lên gần 90 xã viên trồng hơn 100 ha chanh không hạt. Bên cạnh việc nghiên cứu áp dụng mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các thành viên trong Hợp tác xã còn đầu tư các khâu để cách nay gần 6 năm, Hợp tác xã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang". Hiện nông dân huyện Châu Thành trồng hơn 1.000 ha trồng chanh không hạt. Mỗi ngày nơi đây có hơn 40 tấn chanh được Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước và các đầu mối khác thu mua đưa đi tiêu thụ tại các chợ, siêu thị và xuất khẩu, tuy nhiên nguồn cung vẫn không đủ.
Giờ đây, những hộ trồng chanh không hạt nơi đây có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Tô Chí Thâm: "Có cây chanh này thì nó xóa đói giảm nghèo rất tốt bởi vì năng suất cao, giá cả cũng ổn định từ chỗ đó nông dân chúng tôi đã thoát nghèo. Mỗi năm thu nhập trừ chi phí rồi gia đình tôi lời khoảng 400 triệu đồng từ chanh không hạt”.
Đối với những vùng đất trũng, nhiễm phèn ở ĐBSCL, việc lựa chọn cây trồng thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều không dễ, càng khó khăn hơn khi vùng đất này gần đây lại đối diện với hạn, mặn khốc liệt.
Vậy mà tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, ông Võ Văn Phải ở ấp Phú Mỹ A, xã Hòa Mỹ đã tìm tòi, nghiên cứu trồng thành công cây mãng cầu xiêm bằng hạt trên vùng đất trũng, nhiễm phèn.
Ông Phải tâm sự, trước đây vùng đất này chỉ trồng được mía và một vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao. Gia đình ông có đến 10 công đất trồng mía nhưng đến lúc sắp thu hoạch thì lũ tràn về ngập gốc làm giảm năng suất, chất lượng, rồi bị thương lái ép giá nên năm nào cũng thua lỗ.
Cách đây vài năm, ông mạnh dạn phá bỏ mía, lên bờ rồi ươm hạt mãng cầu xiêm trồng trên 5 công đất. Không ngờ sau 2 năm, cây mãng cầu xiêm đã cho trái. Với giá bán từ 18.000- 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi năm ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng trên 5 công mãng cầu. Kết quả này có được là nhờ ông Phải không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ sách báo, các nhà khoa học để giảm được độ phèn trong đất và tìm ra bí quyết để thụ phấn cho cây mãng cầu ra trái nhiều và quanh năm cũng như sử dụng túi bao trái để có mẫu mã đẹp.
Từ mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt cho thu nhập cao của ông Phải, nhiều nông dân ở đây đã cải tạo vườn tạp học hỏi trồng theo. Hiện toàn huyện Phụng Hiệp đã có hơn 100 ha trồng mãng cầu xiêm bằng hạt, trong đó riêng xã Hòa Mỹ đã chiếm hơn 50 ha.Ông Võ Văn Phải đã đứng ra thành lập Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ do ông làm Giám đốc.
Ông Võ Văn Phải cho biết, một trong những yếu tố quyết định sự thành công chính đó chính là việc nhà vườn trồng mãng cầu ở đây biết liên kết cùng nhau nên gặp nhiều thuận tiện trong khâu chăm sóc, xử lý kỹ thuật để cây đậu nhiều trái, cho năng suất, chất lượng cao, đủ nguồn hàng cung ứng cho Công ty, trong khi các hộ trồng riêng lẻ thì gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, bảo vệ cây, nhất là vào mùa mưa lũ, khô hạn.
"Tôi thấy mãng cầu cho năng suất nó rất cao, giá thành hiện nay cũng rất là ổn. Thu nhập năm rồi 5 công tôi bán được 30 tấn trái, tính ra bán được 460 triệu đồng” - ông Phải cho biết.
Cũng tại huyện Phụng Hiệp, trong khi ông Võ Văn Phải và những nông dân ở xã Hòa Mỹ thành công với mô hình trồng mãng cầu xiêm thì tại xã Bình Thành, ông Võ Văn Trưng thành công với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính.
Ông Trưng cho biết, những năm gần đây biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào mùa khô gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất. Thấy làm lúa cũng không khá, lại luôn gặp khó khăn về nguồn nước nên cách nay 4 năm, ông Trưng đã lặn lội đến nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM để tìm tòi, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp mới về áp dụng trên đồng đất của mình; đồng thời, tích cực nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Cuối cùng, ông Trưng đã chọn mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để trồng cây dưa lưới.
Nhờ áp dụng công nghệ trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà kính và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Với công nghệ này, sau khi ươm hạt dưa thành cây con tại một góc nhà lưới, ông tiến hành trồng mỗi cây dưa vào một bầu chứa 4 lít giá thể, chủ yếu là xơ dừa nên bộ rễ cây dưa hoàn toàn không tiếp xúc với nền đất lúa trước đây.
Mỗi một bầu dưa đều có cắm sẵn vòi tưới nhỏ giọt nối với nhánh dây rẽ được gắn cố định vào đường dây chính bằng nhựa dẻo đã lắp đặt khắp khu nhà kính. Việc trồng dưa lưới trong nhà kính vừa giúp tránh được những bất lợi của thời tiết, vừa ngăn chặn được côn trùng, sâu bệnh tấn công nên tiết giảm đáng kể khoản chi phí và công sức phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng là những trái dưa lưới do ông sản xuất ra không bị tồn dư lượng hóa chất độc hại. Với hơn 8 công đất luân phiên trồng 4 vụ dưa lưới, mỗi năm ông Trưng thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng. Hiện nay trái dưa lưới do ông Trưng sản xuất tiêu thụ mạnh tại các siêu thị trong nước. Hướng tới ông sẽ áp dụng qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu.
Ông Trưng cho biết: "Từ tưới tiêu cho đến thu hoạch, kể cả những khâu làm giá thì dần dần tôi đưa máy móc vào thay thế những lao động truyền thống. Bằng mọi cách tôi làm cho giá thành của mình giảm xuống để lợi nhuận tăng lên. Tôi cũng hướng tới đưa công nghệ đèn led để trồng trong nhà kính, không sử dụng ánh quang hợp của mặt trời thì sẽ điều khiển được kể cả sự quang hợp của cây và sản lượng. Từ đó, cây trồng sẽ không lệ thuộc 100% vào thời tiết mưa, gió và cả sâu bệnh ở ngoài trời.”.
Vào cuối tháng 9/2017 tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo:“Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”.
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Tỉnh đã thúc đẩy các mô hình làm kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics, trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo. Trong năm ngoái, nông dân Hậu Giang đã làm ra 1,3 triệu tấn lúa, hơn 300.000 tấn cây ăn trái, gần 70.000 tấn thủy sản các loại. Ngoài gạo, nhiều đặc sản chế biến của Hậu Giang đã được xuất khẩu như cá thát lát, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, thanh long…
Nếu thời kháng chiến người dân Hậu Giang tìm đường theo Bác Hồ cách mạng thì ngày nay con cháu của những người dân trên mạnh đất anh hùng này cũng đang tìm đường để làm giàu cho bản thân và góp phần xây dựng quê hương đất nước bằng những mô hình làm nông thông minh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo