Thị trường

Nông sản sạch đồng hành cùng chông gai

Sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững là mục tiêu tiên quyết bắt buộc phải thực hiện, là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, làm sao để các sản phẩm này được tiêu thụ trong các chuỗi giá trị cao vẫn là “bài toán” khó với người nông dân và doanh nghiệp.

Chợ online giúp gì cho nông sản Việt? / Hòa Bình: Liên kết 3 nhà để tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản

Nắm bắt được xu hướng chọn lựa hàng hóa và sản phẩm hữu cơ an toàn, hiện nay có 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam...

Xu thế tương lai

Lãnh đạo một DN nghiên cứu thị trường cho biết với thu nhập ngày càng cao, lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng sẽ là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, nên nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ sẽ được chọn lựa đầu tiên.

Theo khảo sát, đa số các bà nội trợ đều chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn để mua sản phẩm nông sản hữu cơ, bởi cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều DN nông sản đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết… nhằm cung ứng các sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

Trên địa bàn Tp. Hà Nội, công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn bền vững cũng được đẩy mạnh, đã hình thành nhiều mô hình, cách làm mới thay đổi phương thức sản xuất truyền thống.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hay như tại Cần Thơ - trung tâm của vựa nông sản lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã xây dựng hơn 115 cánh đồng lớn với diện tích trên 30.000 ha và 21.238 hộ nông dân tham gia vùng sản xuất sạch.

Trong đó, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn công nghệ cao với diện tích 229 ha tại các quận, huyện (10,5 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP). Nhiều nông dân, DN đã đầu tư phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (trồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh, tưới phun trên rau...) để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 9,38 ha.

Tuy nhiên, mục tiêu “ly nông bất ly hương” hiện nay vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Tại các vùng nông thôn đang xảy ra tình trạng nhiều người già cũng bỏ lên thành phố làm giúp việc do thu nhập cao hơn gấp nhiều lần làm nông ở quê.

Ruộng đất đang bị bỏ hoang nhiều, trong đó đa phần là những thửa ruộng “đẹp”, thuận tiện cho việc canh tác. Điều này phần nào minh chứng cho việc người dân nông thôn rời bỏ quê hương vì mức sống và điều kiện sống chưa thật đảm bảo.

Theo đó, việc phát triển nền nông nghiệp sạch theo định hướng thị trường phải sạch từ khâu giống, khâu chế biến, bảo quản, cung cấp thức ăn, cây giống… là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay. Bởi khi người nông dân làm ra hàng hóa mà không tiêu thụ được sẽ dẫn đến thua lỗ, chán nản, chán ruộng, rồi lại bỏ lên thành phố…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành nông nghiệp, nông sản Việt hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch còn yếu, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Thị trường đầu ra vẫn là bài toán khó với nông sản sạch

Thị trường đầu ra vẫn là bài toán khó với nông sản sạch

Muôn vàn khó khăn

Trong khi đó, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chưa thực sự thu hút được các hộ nông dân và các DN, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi còn thiếu tính bền vững.

Nói rõ hơn những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp sạch, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại mới đây, một nông dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết người nông dân hiện nay tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn do nông dân không tự làm được.

Một nông dân khác thừa nhận khó tiếp cận với thông tin giá cả nông sản, cũng như các dự báo thị trường nông sản để có hướng điều chỉnh, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT thực hiện lên website của Bộ.

 

Ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Bình Định, huyện Kiến Xương (Thái Bình), cho biết gần đây liên tục xuất hiện các vụ việc “giải cứu” nông sản như củ cải, khoai tây…, phần nào phản ánh rất rõ nét tính bất ổn của thị trường nông sản.

Vấn đề đặt ra là tại sao các DN tiêu thụ, chế biến và người nông dân lại chưa gặp nhau? Giải pháp nào để nông sản Việt Nam không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Tại sao có nhiều sản phẩm rơi vào cảnh ế thừa nhưng lại vẫn nhập khẩu từ nước ngoài?

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam phát triển, xuất khẩu hàng đầu thế giới, nhưng cản trở lớn nhất với người nông dân hiện nay vẫn là vấn đề thị trường.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm