Nông sản Tết: Để không tồn kho, lo nhiều
Giảm phí kinh doanh dịch vụ truyền hình hết năm 2022 / Bộ Công Thương đề nghị Trung Quốc khôi phục việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu
Tròn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán Nhâm Dần, 5 vạn hoa lan của trang trại hoa Mê Linh F-Farm đã sẵn sàng tới tay người mua. Kiểm tra, chăm sóc vườn lan vào những ngày này, chị Huyền - kỹ thuật viên của vườn - vừa mừng lại vừa lo bởi vượt khó quãng thời gian giãn cách để chăm hoa đến ngày ra bông, giờ là lúc mong bông thành trái ngọt.
Một năm nhiều khó khăn của dịch bệnh, đã có những chuyến hoa phải đổ bỏ trong thời gian giãn cách, đã có những dự định sản xuất không thành nhưng cái khó không bó quyết tâm. Vụ hoa Tết này, trang trại nỗ lực tìm đường để đưa hoa đến tay người mua.
Trong khi đó, tại khu vực đầu mối trung chuyển hoa đi mọi miền của huyện Mê Linh, không khí Xuân cũng đang về trong cái nửa tất bật, nửa lo toan của những chuyến hàng hoa. Chiếc xe kéo của anh Tường chỉ chở vài chục gốc hồng. Cận Tết, nỗi lo của người nông dân này cũng nhiều hơn bởi vườn 1 vạn gốc giờ mới bán được 1/5.
Là vựa hoa lớn của thành phố Hà Nội, trung bình mọi năm, huyện Mê Linh có khoảng 800 ha canh tác hoa các loại. Năm nay, đã có những quy hoạch để giảm diện tích canh tác tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang trở thành mối nguy lớn nhất, ảnh hưởng đến giá cả, sức mua hoa của người dân.
''Hoa xuống giá rất là nhiều, như hoa hồng năm ngoái 80.000 - 100.000 đồng, năm nay chỉ còn 50 - 60%. Dịch bệnh nên việc vận chuyển đi cũng gặp khó khăn dù ở các tỉnh miền trong vẫn có nhu cầu'', chị Tạ Thị Thúy, Xã Hạ Lôi, Huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết.
Vụ hoa năm nay đắt hay rẻ? tồn hay hết? vẫn phải chờ gần 1 tháng nữa để có câu trả lời. Còn lúc này, mỗi chậu hoa lên xe đều là niềm hi vọng của những hộ nông dân như anh Tường cho một mùa hoa Tết… không buồn!
Trong những ngày qua, hình ảnh những loại trái cây như: mít, sầu riêng, thanh long… bị ùn tắc tại các cửa khẩu phải quay trở lại bán trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã trở thành nỗi lo của người nông dân về việc tiêu thụ nông sản vụ Tết. Thế nhưng, không vì thế mà hoạt động sản xuất các loại nông sản, thực phẩm đặc trưng cho Tết lại bị gián đoạn. Tại các địa phương, kế hoạch sản xuất cũng được người dân quan tâm nhiều hơn, đảm bảo số lượng cung ứng vừa đủ, tránh tình trạng tồn kho.
Sản xuất có kế hoạch, chủ động nắm bắt đầu ra
Cánh đồng rau của HTX Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, mọi năm, chị Hoàng Thị Dung (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) vẫn trồng củ cải. Thế nhưng, năm nay, chị quyết tra cà rốt bởi vì không muốn lặp lại cảnh củ cải rớt giá, không bán được như năm ngoái
Vốn là vựa củ cải của xã Tráng Việt và cả huyện Mê Linh, trung bình mỗi năm vào vụ đông, với gần 200ha canh tác, HTX Đông Cao cho thu hoạch gần 40.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng này đã giảm khoảng 30% nhờ quy hoạch, giảm diện tích gieo trồng.
Còn tại vùng chè shan tuyết của huyện Bắc Quang, Hà Giang, khác hẳn mọi năm, hộ gia đình nhà ông Phan Thế Độ dự kiến sẽ sản xuất hàng xuyên Tết nếu có đơn đặt để phần nào bù lại 50% sản lượng giảm sút khi dừng vụ hè thu năm nay.
Khó tránh nguy cơ tồn kho khi dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, nhiều hộ trồng lạc, cam trên địa bàn huyện cũng chủ động đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, chế biến sâu, tạo thêm giá trị cho nông sản. Dịch bệnh cũng dần tạo cho người dân thói quen sản xuất có kế hoạch, chủ động nắm bắt đầu ra để hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản tồn kho.
Tết mới cho nông sản, thực phẩm vùng cao
Không chỉ dịp Tết này mà trong suốt 2 năm qua, các hộ sản xuất cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong bối cảnh giao thương bị hạn chế. Để biến thách thức thành cơ hội, tại các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương đã định hướng người dân chủ động tìm hướng tiếp cận thị trường, xoay sở đầu ra cho nông sản, thực phẩm Tết.
Chủ động tiếp cận người mua thông qua kênh bán hàng trực tuyến, hơn 100 tấn cam của HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang, Hà Giang) đã được bán ra. Đây là tín hiệu mừng khi loại nông sản chủ lực của huyện Bắc Quang đang vào chính vụ, phục vụ thị trường Tết.
Đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các nền tảng trực tuyến, đang đem lại sự chủ động khi tiếp cận thị trường cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của từng hộ sản xuất.
Ông Phùng Viết Vinh, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Hà Giang cho biết: ''Kỹ năng của người dân đã nâng lên một bước. Việc sản phẩm của người dân đến trực tiếp với người tiêu dùng nên giá thành có xu hướng giảm hơn, kích cầu tiêu thụ. Người dân khi bán sản phẩm phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình''.
Có thể thấy, nông sản, thực phẩm vùng cao Hà Giang đang được bà con từng bước xây dựng hình ảnh nhận diện mới. Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất, gia tăng các loại nông sản chủ lực đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ tem nhãn. Đây được xem là những yếu tố quan trọng, quyết định thành công khi đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh