Novaland kêu cứu, đề nghị được tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư Bình Khánh
Giáo sư Đặng Hùng Võ: Bất động sản du lịch phải cho sở hữu dài hạn mới thu hút được vốn đầu tư của dân / Vướng mắc về pháp lý: Nguy cơ lớn nhất tác động tới thị trường bất động sản
Ngày 5/2/2020, Tập đoàn Novaland đã ra thông tin chính thức liên quan đến Dự án Khu dân cư Bình Khánh 30ha tại Q.2, TP.HCM. Thông báo của Novaland cho biết, Dự án Khu Dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224 ha tại P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND TP.HCM ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND và đang từng bước hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát chung của Thủ Thiêm, Q.2, dự án này cũng như các dự án bất động sản khác bị rà soát kéo dài, dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh nhiều hệ quả, đặc biệt là phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng.
Việc đình trệ này đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của Tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của TP.HCM. Tập đoàn đã gửi đơn thư giải trình kêu cứu đến Chính phủ và Bộ, ban, ngành liên quan để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất nhằm giúp ổn định môi trường kinh doanh.
Tập đoàn Novaland với quá trình 28 năm hình thành và phát triển, luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và không ngừng nỗ lực góp phần tạo ra sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Novaland hiện là doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Việt Nam, nằm trong Top VN30, đồng thời là doanh nghiệp niêm yết trái phiếu, chuyển đổi trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore.
Khu dân cư The Water Bay chỉ hiện hữu 3 block nhà ở đã hoàn thiện, gắn logo của Century 21.
Trước đó, trong đơn cầu cứu khẩn cấp được gửi đến Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà vào ngày 25/1, Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) cho biết doanh nghiệp đã "kiệt sức" và xin được cứu xét cho tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư.
Cụ thể, Novaland khẩn cầu Bộ trưởng Xây dựng cho công ty con của doanh nghiệp là Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được tiếp tục phát triển dự án khu dân cư tại khu đất 30,224 ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM, dự án có tên thương mại là The Water Bay.
Doanh nghiệp cho biết đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và số vốn bỏ vào dự án này lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên việc tạm dừng dự án có khả năng khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mất dần tính thanh khoản, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.
Chính vì vậy, Novaland khẳng định việc cho phép doanh nghiệp tiếp tục phát triển dự án không chỉ giúp doanh nghiệp có nguồn thu mà còn giúp hơn 200 nhà đầu tư ngước ngoài yên tâm tiếp tục bỏ vốn để phát triển các dự án còn dang dở.
Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề "Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào ngày 19/12/2019, các chuyên gia cho rằng, hiện pháp lý chưa theo kịp nhu cầu của thị trường bất động sản, các dự án bị dừng lại chưa được phê duyệt sẽ kéo theo hệ quả của thị trường trong vài ba năm nữa. Chính phủ cần hết sức lưu tâm để giải quyết các luật chồng chéo, về đất đai, về bất động sản, về condotel.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, vướng mắc về thủ tục pháp lý sẽ tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản Việt Nam. Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển tốt, thị trường bất động sản đang phát triển tốt, tính thanh khoản cao, giao dịch thành công đến 90% nhưng năm 2019 chững lại, do nhiều dự án không được phê duyệt vì vướng mắc pháp luật. Ví dụ ở TP.HCM số lượng dự án được duyệt mới rất ít. Mọi năm bình quân có khoảng 20-25 dự án mới được phê duyệt, thì năm 2019 chỉ có 5 dự án được duyệt. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới thị trường trong 3-5 năm tới.
Cũng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện nay, pháp lý chưa theo kịp nhu cầu của thị trường bất động sản, các dự án bị dừng lại chưa được phê duyệt sẽ kéo theo hệ quả của thị trường trong vài ba năm nữa. Hiện số lượng cung vẫn đủ là do các dự án được phê duyệt trước nay họ vẫn ra hàng, nhưng hai ba năm nữa chắc chắn thị trường sẽ tăng vì các dự án năm nay không được phê duyệt nữa, nguồn cung chắc chắn sẽ giảm và xu hướng tăng giá là tất yếu trong những năm tiếp theo.
Riêng Condotel là phân khúc đầu tư rất tốt nhưng cũng không phát triển mạnh như mấy năm qua. Từ đó, đặt ra câu chuyện Chính phủ cần hết sức lưu tâm vấn đề pháp lý, đừng để xảy ra những điều bất thường trong quá trình phát triển, để condotel không bị đứt gánh mà phát triển tốt, nhà ở phát triển tốt và mức giá thấp đi, để người dân có lợi hơn.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho biết, năm 2019 số lượng dự án mới được phê duyệt rất ít do vướng mắc về pháp lý. Ví dụ, tại TP.HCM trước đây mỗi năm có từ 25-30 dự án mới được phê duyệt, nhưng năm 2019 chỉ có 5 dự án được phê duyệt, điều này sẽ dẫn đến hệ lụy cho thị trường bất động sản trong 2-3 năm tới, thị trường sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án bất động sản của nhiều chủ đầu tư đã gặp phải khó khăn do vướng thủ tục pháp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của thị trường bất động sản nói riêng và môi trường đầu tư nói chung. Từ năm 2019 tới đầu năm nay, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã không ít lần có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đề nghị tháo gỡ thủ tục hành chính cũng như đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản năm 2020 theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo