Thị trường

Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nếu được phát triển đúng hướng, thị trường trái phiếu sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Yêu cầu dừng ngay dịch vụ ưu tiên check-in có thu phí tại sân bay / Giá heo hơi ngày 20/7/2022: Tiếp tục tăng mạnh, người nuôi đã tái đàn

Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ Nghị định 153 sửa đổi về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ, kỳ vọng tạo một hành lang pháp lý vững chắc trong phát hành trái phiếu, phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả và bền vững, hướng tới mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025.

Trong Nghị quyết 86 mới đây của Chính phủ, một mục tiêu đã được nêu lên rất rõ ràng là cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Việc trái phiếu riêng lẻ tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi quản lý chặt chẽ hơn là điều cần thiết. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Thị trường vốn gồm trái phiếu và cổ phiếu, cùng với tín dụng ngân hàng được ví như 3 chiếc chân kiềng quan trọng của nền tài chính của một quốc gia.

Dự thảo Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, theo đánh giá của giới phân tích, có những điểm thay đổi chính:

- Thứ nhất là doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu với mục đích góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, trái phiếu của doanh nghiệp khác hay cho doanh nghiệp khác vay vốn. Điều này sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khỏi việc mua phải trái phiếu của doanh nghiệp đảo nợ;

- Thứ hai, trước đây để là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp điều kiện là có 2 tỷ đồng tài sản tính trong một thời điểm bất kỳ, nhưng theo dự thảo sửa đổi, nhà đầu tư sẽ phải có trung bình 2 tỷ đồng tính trong 6 tháng liên tục.

Điều này giảm thiểu rủi ro phù phép nhà đầu tư cá nhân không chuyên thành nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ;

 

- Thứ ba là yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành có quy mô trên 500 tỷ đồng hay trên 50% vốn chủ sở hữu.

Rõ ràng, rủi ro với nhà đầu tư sẽ được giảm thiểu bớt đi khá nhiều theo hướng xây dựng của Dự thảo sửa đổi Nghị định 153, nhưng liệu việc thay đổi chính sách có làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, rõ ràng đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Kỳ vọng Nghị định 153 sớm hoàn thiện

Chị Châu là một trong số không nhỏ các nhà đầu tư có thể mua cho mình hàng trăm triệu đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua môi giới, dù theo đúng quy định chị chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Có thể tài khoản mình chưa là nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng vẫn có thể mua trái phiếu qua các bạn môi giới. Việc mua như thế không trở ngại gì pháp lý hoặc hợp đồng cả, tất cả đều rất dễ", chị Lê Huyền Châu, TP Hà Nội, chia sẻ.

 

Những rủi ro tiềm ẩn như thế này là lý do chính tạo nên sự bất ổn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Sau khi có một số vụ việc điển hình bị xử lý, tính ra quý 2 chỉ có 111.814 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giảm mạnh tới 43,7% so với cùng kỳ.

Việc có một hành lang pháp lý mới từ Nghị định 153 sửa đổi cũng giống như việc doanh nghiệp được khoác 1 tấm áo mới, chỉnh tề hơn, để từ đó họ có thể tự tin phát hành nhiều hơn trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, cũng như phát hành riêng lẻ. Dù số lượng trái phiếu phát hành trong tháng 4 giảm mạnh, nhưng tháng 5 và tháng 6 đã tăng trở lại. Kỳ vọng với sự hoàn thiện của Nghị định 153 sẽ có nhiều hơn nữa trái phiếu được phát hành ra trong thời gian tới.

"Dự thảo mới tác động tích cực, bởi đảm bảo quản lý nhà nước chặt chẽ hơn, các nhà đầu tư trên thị trường nên phân loại như thế nào và cuối cùng là yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng quy định để có khả năng hoàn trả", ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT, Saigon Ratings, đánh giá.

Việc đưa xếp hạng tín nhiệm vào dự thảo lần này để cải thiện tính minh bạch cũng được các thành viên thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, với bản dự thảo gần đây nhất đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, vẫn còn những kiến nghị để góp phần đưa nghị định gần hơn với thông lệ quốc tế.

"Nếu việc hạn chế mục đích sử dụng vốn được áp dụng sẽ thiệt thòi với doanh nghiệp Việt Nam, thiếu nguồn tài chính để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà", ông Vương Hoàng Sơn, Trưởng phòng kinh doanh Trái phiếu, VNDIRECT, nhận định.

 

Việc tính toán tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư theo từng ngày để phân loại là chuyên nghiệp hay không có thể gây áp lực với hạ tầng công nghệ.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu vốn có 2 lựa chọn, đó là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Thực trạng đáng tiếc là tỷ trọng phát hành ra công chúng quý 2 chỉ 0,3%, giảm 30 lần so với quý 1.

Việc trái phiếu riêng lẻ tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi quản lý chặt chẽ hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên song song với đó, có những cơ chế thông thoáng hơn để dòng vốn trái phiếu chuyển sang kênh phát hành ra công chúng cũng là điều được doanh nghiệp kỳ vọng để có thể mở đường.

Đáng chú ý, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý 3 năm nay đạt mức 64.696 tỷ đồng (tăng 243,8% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành bất động sản chiếm hơn một nửa.

Còn nhìn rộng ra cả giai đoạn 2022 - 2024, 305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ có điểm rơi đáo hạn. Nếu chính sách thay đổi quá mạnh và đột ngột thì nợ đến hạn sẽ làm gánh nặng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến trái chủ mà ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng vì một doanh nghiệp vay thường vay 2 nguồn: 50% là tín dụng ngân hàng, 50% trái phiếu doanh nghiệp nên khả năng vỡ nợ chéo là có, nên chính sách cần linh hoạt.

 

Nếu được phát triển đúng hướng, thị trường trái phiếu sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ phát triển thời gian qua là 35%/năm, theo quy tắc 72 kinh điển, lấy 72 chia 35 thì cứ khoảng 2 năm thị trường trái phiếu sẽ tăng gấp đôi. Hiện nay là 1,5 triệu tỷ đồng, 2024 là 3 triệu tỷ đồng, 2026 là 6 triệu tỷ và 2028 là 12 triệu tỷ đồng, tức là thay thế hoàn toàn được huy động trung và dài hạn qua tín dụng ngân hàng, để ngân hàng trở lại vai trò chính là vốn lưu động. Lúc đó Việt Nam mới thực sự có một chiếc kiềng tài chính với 3 chân đều nhau và vững chắc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm