Thị trường

Phát triển ngành bán dẫn: Nhiều cơ hội lớn song không ít thách thức

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngành bán dẫn đang mở ra cơ hội lớn nhưng cũng tạo nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt.

Việt Nam sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn / Đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nên tập trung vào đâu?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Nguồn nhân lực kỹ thuật - công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này. Thực tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor...

Điều này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 13% mỗi năm, đạt được 600 tỷ USD tính đến năm 2021. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo nghiên cứu từ tập đoàn tư vấn Boston (BCG).

“Các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch trợ cấp cho ngành sản xuất chất bán dẫn, tạo nên thế cạnh tranh trong ngành công nghệ thế giới. Ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam”, ông Dũng nói.

Bàn sâu về cơ hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam cũng như các quốc gia đang có cơ hội từ việc tăng cường nhu cầu lớn về các linh kiện bán dẫn do có sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT). Cùng với đó là cơ hội xuất khẩu. Việc sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam. Cụ thể là thách thức liên quan đến chi phí đầu tư cao, sự cạnh tranh quốc tế, công nghệ và nhân sự.

Hiện mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD.

Về công nghệ, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn. Trong khi, nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030 đưa ra mục tiêu Việt Nam có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nguồn nhân lực này có thể cung cấp đủ cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.

Bộ cũng đã xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài. Nghị định 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ (về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) đã đưa ra các chính sách và mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của trung tâm. Trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn muốn gia nhập đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp này được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu. Được miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp không quá 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Đồng thời, được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất…

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới.

“Chính phủ Việt Nam nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, ông Dũng nhấn mạnh.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm