Phép thử với ngành hàng đồ uống
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại / Xuất khẩu vượt mốc 500 tỷ USD dẫn đầu top 10 dấu ấn thành công ngành Công Thương 2019
Trên website chính thức của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) mới đây có dẫn lại bài viết “Thấy gì sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực?”, trong đó có nhận định nhà hàng kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng, doanh thu giảm.
Thị trường bia gặp khó
Bên cạnh đó, bài viết còn cho rằng: Với những quy định khắt khe của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một loạt các phản ánh khác từ giới truyền thông về những ngày đầu thực hiện Nghị định 100/2019 với những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao) mang tính răn đe người uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội cũng cho thấy lượng khách giảm mạnh ở các nhà hàng, quán bia.
Điều đó kéo theo lượng bia tiêu thụ bị sụt giảm ngay từ những ngày đầu của năm 2020. Và trong báo cáo cập nhật ngành bia của Chứng khoán SSI đã chỉ rõ do ảnh hưởng của Luật (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), tăng trưởng sản lượng bia trong năm nay sẽ không đạt được mức 2 con số, tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6 - 7%.
SSI lưu ý việc này sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi các thương hiệu hàng đầu thị trường hay những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng chịu ảnh hưởng ít hơn.
Với những phản ánh như vậy, nhìn từ tác động của chính sách nhằm đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người dân, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia kinh tế cho rằng ngành hàng đồ uống có cồn đang đối mặt thách thức lớn trong năm 2020, khó có mức tăng trưởng mạnh như kỳ vọng.
Tuy nhiên, những dự báo về con số tiêu thụ bia trong thời gian tới cũng chỉ để tham khảo trước “phép thử” của Nghị định 100/2019. Chẳng hạn, tại Tp.HCM, theo dự kiến tiêu thụ khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát trong tháng Tết Nguyên đán, tăng khoảng 30% so với tháng thường.
Hoặc như Euromonitor từng dự báo lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 5%/ năm cho đến năm 2022. Sản lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam sẽ đạt 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương với tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ tăng bình quân hàng năm lần lượt là 5,5% và 7%.
Liệu dự báo này có hợp lý nếu như từ khâu chính sách sẽ buộc người tiêu dùng Việt phải có những thay đổi so với cách thức tiêu thụ bia trước đây, dù mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đạt độ tuổi hợp pháp để uống đồ uống có cồn (18 tuổi)?
Còn nhiều biến động
Vị chuyên gia này cho biết trước đây từng có những dự báo năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao về tiêu dùng đồ uống, thứ 3 trong nhóm các nước châu Á được khảo sát.
Việc có trên 4 tỷ lít bia tiêu thụ mỗi năm ở Việt Nam là một trong những cơ sở chính cho dự báo trên. Đặc biệt là khi trên thị trường đồ uống thì đồ uống có cồn (gồm bia, rượu vang, rượu mạnh) là ngành hàng lớn nhất, chiếm tới hơn 70% tổng giá trị bán lẻ đồ uống.
Thế nhưng, một khi có những tác động mạnh từ khâu chính sách thì tốc độ tăng trưởng của ngành hàng đồ uống nói chung và lĩnh vực bia, rượu nói riêng sẽ khó có thể “xuôi chèo mát mái” như dự đoán trước đây.
Thực tế, bên cạnh Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019, bia còn là đối tượng chính chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể tăng hơn nữa từ mức hiện tại là 65%. Đây cũng là thách thức lớn với các doanh nghiệp (DN) sản xuất bia trong nước khi phải chịu áp lực cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Chưa kể, người tiêu dùng Việt đang chuyển sang tiêu thụ đồ uống có giá trị cao hơn, tạo ra những khoảng trống để thâm nhập vào các phân khúc đồ uống cao cấp.
Mặc dù các DN trong và ngoài nước đã cố gắng hành động để đáp ứng với sự thay đổi này, các công ty nước ngoài hiện vẫn đang gặp khó khăn do việc sử dụng các thương hiệu quốc tế của người tiêu dùng Việt Nam.
Và một thực tế là thời gian qua có nhiều DN sản xuất bia trong nước lẫn nước ngoài đã phải “tháo chạy” khỏi thị trường vì đối mặt những vấn đề khó khăn trong cạnh tranh.
Không chỉ ở lĩnh vực bia rượu, ngành đồ uống ở Việt Nam nói chung được cho là đang có rất nhiều biến động. Do đó, việc cập nhật tình hình và các xu hướng liên quan đến sự phát triển của ngành hàng này là rất quan trọng đối với các DN và chính người tiêu dùng.
Khảo sát các DN trong ngành đồ uống từ một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy đa số các DN nội trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức mới trong năm 2020. Đó là: Chất lượng nguồn nhân lực, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào, quy mô nhỏ, thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản.
Trước những thách thức lớn như vậy, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường cũng như thu hút nhiều khách hàng, rõ ràng các DN đồ uống cần có sự chuẩn bị, thay đổi chiến lược kinh doanh trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo