Thị trường

Phú Thọ: Thu nhập ổn định nhờ nghề nuôi dúi

Về xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) hỏi nhà anh Nguyễn Công Nguyên, hội viên nông dân chi hội 7 thì ai cũng biết.

Anh Nguyên chăm sóc đàn dúi.

Cách đây gần 10 năm, thấy mọi người trong xã bắt được dúi rừng, anh đã mua vài con về nuôi thử. Thời gian đầu chưa có kiến thức nuôi dúi nên gặp nhiều khó khăn. Anh đã tìm đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lên mạng tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi cũng như cách phòng bệnh cho dúi.

Chuồng nuôi dúi được anh thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, hơn 100m2có thể nuôi được 400 con. Chuồng được xây theo kích thước cao 60cm, rộng 60cm và dài 40cm. Chuồng được bố trí nơi kín gió, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn gồm tre, ngô bắp, thân mía, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dúi, anh tận dụng diện tích gần 1 mẫu đất vườn nhà trồng thêm mía, ngô và thu mua tre của người dân trong vùng. Đặc điểm của loài dúi là không cần uống nước, lượng chất thải ra ít và khô nên thường 10 ngày mới phải dọn chuồng một lần.

Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6 đến 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản.

Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm. Mỗi năm đàn dúi nhà anh sinh sản 4 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 5 con. Dúi giống sau 3 tháng xuất chuồng có thể đạt từ 300 đến 500g; dúi thương phẩm nuôi 7 tháng có thể xuất chuồng, có thể đạt trọng lượng 1,5 kg.

Đến nay, anh có gần 200 cặp giống bố mẹ, mỗi tháng xuất bán gần 20 cặp dúi con giống, sau khi trừ chi phí cho thu lãi đạt 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn giúp đỡ cho 5 hội viên nông dân khác trong xã nuôi, sau đó đứng ra bao tiêu sản phẩm.

Theo Mạnh Thuần/Nông nghiệp Việt Nam

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo