Thị trường

Phương án hữu dụng nào cho xuất khẩu gạo?

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4 nhưng khống chế lượng xuống 400.000 tấn. Đây đã là phương án hữu dụng nhất cho xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

Xử lý nghiêm việc xuất khẩu khẩu trang và gạo lậu qua biên giới / Đắk Lắk: Thu nhập tăng cao nhờ trồng xoài Đài Loan

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan kéo dài đà tăng trong tháng 3/2020 lên mức cao nhất trong vòng 6 năm. Gạo tiêu chuẩn 5% Thái Lan được chào bán ở mức 480 - 505 USD/tấn, tăng so với 460 - 467 USD/tấn đầu tháng.

Khống chế lượng gạo xuất khẩu

Theo phản ánh của doanh nghiệp những ngày gần đây, khi Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và cả Campuchia tạm dừng xuất khẩu gạo, tức nguồn cung hạn hẹp, trong khi nhu cầu của các nước tăng cao, thì Thái Lan “một mình một chợ” nên họ đẩy giá gạo lên cao. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam cần nhanh chóng mở cửa thị trường xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương kiến nghị chỉ cho phép xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 (Ảnh: Internet)
Bộ Công Thương kiến nghị chỉ cho phép xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 (Ảnh: Internet)

Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cũng tiếp tục kiến nghị cho xuất khẩu gạo trở lại trong tháng 4/2020 nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trong đó lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn.Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Báo cáo của Bộ Công Thương về cơ bản không khác gì so với báo cáo được Bộ này gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28/3 sau khi có kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành. Theo đó, lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4-5/2020 vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5/2019.

Tuy vậy, vẫn có ý kiến trái chiều về đề xuất trên. Ts. Nguyễn Đức Thành, Thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằngViệt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ quota lúc này, bởi sẽ khiến phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm.

Thay vào đó, ông Thành cho rằng chính sách lúc này nên là đánh đánh thuế xuất khẩu gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và nhà nước có nguồn thu).

 

Ví dụ, nếu đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán, khi giá thế giới là 800 USD/tấn thì giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy, người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt vì họ xuất khẩu cũng chỉ thu được 560 USD/tấn, không khác gì bán trong nước. Đồng thời, Nhà nước thu được thuế là 240 USD/tấn, số tiền này vào thẳng ngân sách nhà nước.

Chủ trương xuất khẩu thế nào cho phù hợp?

Theo ông Thành, lợi ích lớn nhất của chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính toán kế hoạch kinh doanh một cách chủ động (khi đã biết thuế suất). "Họ biết rõ khi giá gạo thế giới tăng, ví dụ từ 700 lên 800, 1.000 hay thậm chí 1.500 USD/tấn, thì họ có quyền xuất bất cứ lúc nào, với khối lượng tùy ý, đồng thời họ biết rõ giá bán đó sẽ thu được bao nhiêu lợi nhuận. Doanh nghiệp sẽ tính toán, tích trữ chờ đợi hay bán ngay... và không bị lỡ nhịp các cơ hội trên thế giới, không quá thua thiệt với các đối thủ như Thái Lan".

Ông Thành đề xuất có thể trong tình huống đặc biệt chưa thể đề xuất tăng thuế ngay, Chính phủ có thể áp dụng tạm thời một loại phí nhưng có chức năng giống hệt như thuế.

Trong khi đó, Gs. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu gạo. Ông dự trù sơ bộ, tổng lượng gạo thu hoạch vụ Đông Xuân 2019-2020được khoảng 5,5 triệu tấn, trừ chừng 1,5 triệu tấn cho an ninh lương thực, số lượng còn lại có thể cân nhắc xuất khẩu.

 

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Tp.Cần Thơ), cho rằng Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, ai cũng ăn cơm. Trong mùa dịch Covid-19, người dân không đi ăn ngoài mà ở nhà ăn cơm nên nhu cầu mua gạo tăng lên. Nhưng lượng gạo trong dân có tăng vẫn không đáng là bao so với lượng gạo dư thừa của Việt Nam. Vừa qua, Bộ Công Thương đã thống kê và tính toán tăng thêm mấy trăm nghìn tấn để dự trữ nên chúng ta không lo thiếu gạo. Vì vậy, Việt Nam nên cho xuất khẩu gạo.

Điều này cho thấy việc xuất khẩu gạo là cần thiết song cũng cần tính đến phương án dự trữ bao nhiêu là phù hợp, để tránh tình cảnh lượng gạo tồn quá nhiều.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, tỉnh An Giang đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh nàyđược ưu tiên xuất khẩu nếp và các loại giống lúa Japonica (hạt tròn) với tổng sản lượng hơn 822.000 tấn. Nguyên nhân là do 2 mặt hàng này không tiêu thụ trong nước mà chủ yếu dành cho xuất khẩu và cũng không nằm trong nhóm phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia.

Ngoài ra, An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đang có hiệu lực còn tồn đọng tại các cảng với hơn 48.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp này hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng và ổn định được giá lúa trên thị trường. Nếu tình hình không khả quan thì trong vài tháng tới, An Giang sẽ tồn đọng trên 82.000 tấn gạo do không giao gạo theo hợp đồng.

Năm 2020, dự kiến tỉnh An Giang sẽ sản xuất 4 triệu tấn lúa, tương đương 2 triệu tấn gạo. Do đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực để có chủ trương cho xuất khẩu phù hợp.

 

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 493,1 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.Nhận định về thị trường trong ngắn hạn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá gạo tăng do tâm lý lo sợ dịch bệnh trên toàn cầu leo thang, thúc đẩy người tiêu dùng các nước tiếp tục tích trữ lương thực. Hạn mặn và nguồn nước tưới tiêu là những yếu tố chi phối thị trường khác, bên cạnh nguyên nhân bệnh dịch.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm