Thị trường

Pinaco, Rạng Đông đề xuất giải pháp mạnh tay chặn đứng hàng giả

DNVN - Trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại diễn biến khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi cơ chế xử phạt theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính đề xuất Nhà nước bổ sung hình phạt nặng để răn đe với các đối tượng vi phạm.

Bến Tre: Mưa nhiều khiến nhà vườn trồng hoa Tết lo lắng / Giá gạo Việt xuất khẩu tăng cao nhất 16 tháng

Thủ đoạn gian lận phức tạp, tinh vi
Tại toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
Tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc từ nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Theo dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên thị trường sẽ tăng cao đột biến.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Nêu nguyên nhân của thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn. Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng gủa, hàng nhái, do ham rẻ. Nền tảng thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, sự vào cuộc của DN, các cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt. Hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, dẫn đến việc khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp.

"Việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn. Nếu DN, người tiêu dùng, các tổ chức quốc, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh còn nhiều khó khăn", ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Đề cập đến nạn buôn lậu hàng giả, ông Bùi Văn Hoàn - Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch COVID-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thu thuế nhà nước.
Hay tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3 ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các đối tượng lợi dụng việc hợp tác để cấp CO giả cho DN. Hiện nay, có khoảng 500 DN cấp CO giả, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hoá trên thị trường, trực tiếp đến các DN làm ăn chân chính.
Thị trường nhiễu loạn
Ở góc độ DN, ông Hoàng Hữu Lộc - Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco) nhấn mạnh trên thị trường ắc quy cạnh tranh như hiện nay, hiện tượng trốn lậu thuế, gây thất thu ngân sách và làm nhiễu loạn thị trường của các nhà nhập khẩu ắc quy là có thật và vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được cơ quan chức năng phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo bảng giá và hoá đơn VAT Pinaco thu thập được, với một nhãn ắc quy nhập khẩu, họ xuất hoá đơn VAT chỉ bằng 66% so với bảng giá công bố đến khách hàng. Theo tính toán 1 bình ắc quy 120Ah có giá công bố là 2.840.000 đồng, giá xuất hoá đơn VAT 1.868.400, chênh lệch giá là 971.600 đồng. Nếu nhân 8% thuế VAT thì Nhà nước thất thoát gần 78.000 đồng/đơn vị sản phẩm.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm các công ty ắc quy nhập từ Hàn Quốc khoảng 6 triệu USD, tương đương 144 tỷ đồng cho 140.000 bình ắc quy (quy chuẩn), Nhà nước sẽ mất khoảng 10,8 tỷ đồng tiền thuế VAT (chưa tính thuế nhập khẩu). Ngoài ra, còn rất nhiều chủng loại ắc quy nhập từ nhiều nước khác nữa trong khối ASEAN, dù không chịu thuế nhập khẩu nhưng cùng với thủ thuật này họ cũng trốn được trị giá thuế VAT phải đóng.
Từ thực trạng trên, đại diện Pinaco cho rằng, cần phải kiểm soát gian lận bằng biểu giá tối thiểu tính thuế nhập khẩu để siết lại kẽ hở khi các nhà nhập khẩu kê khai không đúng giá trị thực của lô hàng hóa. Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, có những quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn và những giải pháp hợp lý hơn để thúc đẩy khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với mặt hàng ắc quy nhập khẩu.

Ông Dương Đức Duy - Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Ông Dương Đức Duy - Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông phản ánh, sản phẩm bóng đèn LED của công ty hiện nay đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường. Hàng giả các sản phẩm của công ty được chào bán trong các hệ thống phân phối với giá thấp, chế độ chiết khấu hấp dẫn, ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn nhưng không được sử dụng sản phẩm có giá trị, chất lượng tương đương.
Với sự phát triển nhanh của công nghệ, hình thức vi phạm online đang diễn ra rất mạnh. Các đối tượng thậm chí xây dựng website riêng, sử dụng hình ảnh của công ty nhưng khi giao hàng cho đại lý phân phối lại là sản phẩm khác, kém chất lượng. Ngoài ra, một số đối tượng tuyển đại lý bán hàng qua mạng xã hội, chào bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử.
Do đó, đại diện Rạng Đông đề xuất Nhà nước cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe với các đối tượng vi phạm, hiện nay cơ chế xử phạt hành chính theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Cần hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp một cách minh bạch, an toàn, có chế tài rõ ràng chứ hiện nay chưa có biện pháp giảm thiểu hàng hoá vi phạm trên sàn thương mại điện tử.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm