Thị trường

Xuất khẩu sang Trung Quốc: Doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, giám sát chặt yêu cầu về an toàn dịch bệnh

DNVN - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức tương đối đầy đủ để thích ứng với Lệnh 248, 249 bằng cách tổ chức lại sản xuất, theo hướng đảm bảo, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của Trung Quốc.

Những điểm đáng chú ý của Lệnh 248, 249 của Trung Quốc cho doanh nghiệp xuất khẩu / “Lệnh 248” và “Lệnh 249” tác động đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

Từ ngày 1/11/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã mở đăng ký cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung, đáp ứng theo những yêu cầu mới của Lệnh 248, 249. Sau một năm thực thi, tính đến tháng 11/2022, Việt Nam có hơn 2.400 mã được đăng ký trên cổng Cifer, chiếm khoảng 3% trong tổng số của toàn thế giới, theo Văn phòng SPS Việt Nam.

So với các nước trong khu vực, số lượng mã sản phẩm Trung Quốc phê duyệt cho Việt Nam thuộc tốp đầu, nhỉnh hơn Thái Lan, Malaysia, Philippines và gần tương đương số lượng mã của Indonesia.

Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức tương đối đầy đủ để thích ứng với Lệnh 248, 249 bằng cách tổ chức lại sản xuất, theo hướng đảm bảo, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của Trung Quốc.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức tương đối đầy đủ để thích ứng với Lệnh 248, 249.

Có được điều này là nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Y tế; sự vào cuộc của các hiệp hội, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và chuyển biến từ những người trực tiếp sản xuất.

Từ tháng 5/2022 đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam đã triển khai 12 hội nghị, hội thảo và diễn đàn nhằm phổ biến sâu rộng Lệnh 248, 249 với những nội dung đến các tỉnh thuộc vùng nông nghiệp trọng điểm như Đồng Tháp, Bình Thuận, Đắk Lắk, Sơn La…

Qua đó, người nông dân hiểu và tiếp cận với các thông tin về hiệp định thương mại tự do (FAT) bởi họ là người đầu tiên gieo hạt lúa trên đồng, thả con cá xuống ao và thế giới hiện tại đã "phẳng".

"Cảm xúc đầu tiên của người dân khi được tiếp cận thông tin là rất phấn khởi. Họ cũng có quyền biết mình sẽ hưởng lợi những gì khi Việt Nam tham gia vào các FTA, cũng như các quy định cụ thể phải tuân thủ. Trong đó, quan trọng nhất là quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu", ông Nam nói.

Tập huấn thông tin cho hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp mới giải quyết được vấn đề thị trường.

Ông Nam nhấn mạnh, công tác đào tạo cho những thế hệ nông dân tương lai là rất quan trọng. Đó là tập huấn cho hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp thì mới giải quyết được vấn đề trước mắt cho ngành nông nghiệp, còn nếu chỉ chú trọng vào những đối tượng học sinh, sinh viên đang ngồi ghế nhà trường thì điều này chưa đủ.

Phải làm sao để hợp tác xã, hộ nông dân, doanh nghiệp có thể cập nhật những xu hướng công nghệ, thị trường của quốc tế, đồng thời lấp được lỗ hổng về tri thức hiện còn xuất hiện ở một số cán bộ kỹ thuật hiện tại. Thông tin cần phải được thông suốt từ Trung ương về tới địa phương.

Hiện Văn phòng SPS Việt Nam tham mưu cho Bộ NN-PTNT để trình Thủ tướng một đề án tổng thể về các vấn đề SPS. Trong đề án, Văn phòng dự định xây dựng một cổng thông tin về những vấn đề SPS của thế giới. Mỗi khi có thay đổi nào từ thị trường, ông Nam cùng các cộng sự sẽ cập nhật trực tiếp để thông tin nhanh chóng đến tay mọi người.

“Lệnh 248, 249 chỉ là một trong số nhiều thay đổi từ các thị trường xuất khẩu. Để chủ động thích ứng hơn nữa trong tương lai, doanh nghiệp phải chuẩn bị về mọi mặt, từ lưu hồ sơ đến kiểm soát tất cả các cái mối nguy có thể gây mất an toàn thực phẩm. Chúng ta được nhận những ưu đãi thuế quan từ các FTA, nhưng cũng vấp phải hàng rào kỹ thuật và sức cạnh tranh từ ngay trên sân nhà. Đã đến lúc, chúng ta nên bỏ từ khắt khe và khó tính, bởi đây là yêu cầu mang tính tất yếu của xã hội hiện đại", ông Nam nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm