‘Quả ngọt’ vốn ngoại cho ngành điện tử
Lốp xe ô tô xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá vào Hoa Kỳ / Khi thị trường chứng khoán trong 'cơn say'
Ông Zhuo Xiam Hong, Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam cho biết, dự kiến năm 2021 sẽ tăng thêm đầu tư vào Việt Nam 700 triệu USD và tăng mới 10.000 lao động.
Hút “đại bàng về làm tổ”
Tính đến hết năm 2020, theo ông Zhuo, tổng vốn đầu tư của Foxconn tại Việt Nam đã là 1,5 tỷ USD, trong đó số vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động.
Ngành điện tử ở Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng hái“quả ngọt” từ những dòng vốn ngoại chất lượng cao. |
Như những đồn đoán gần đây là hãng Foxconn (chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple) đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple, vào ngày 18/1/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn với dự án Nhà máy Fukang Technology có tổng vốn đầu tư đăng ký 6.233 tỷ đồng, tương đương 270 triệu USD.
Dự án này đầu tư tại khu công nghiệp Quang Châu thuộc huyện Việt Yên với mục tiêu sản xuất, gia công MacBook, iPad có quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Còn ở Đồng Nai, hôm 12/1 có 2 dự án lớn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ nhất là dự án của Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) đầu tư vào Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp mô-đun hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử có quy mô dự án sản xuất khoảng 10,8 triệu sản phẩm/năm.
Thứ hai là dự án của Công ty TNHH Platel Vina (Hàn Quốc) đầu tư vào Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa), tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Công ty chuyên sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa, công suất 400 tấn sản phẩm/năm.
Quan sát từ các dự án đầu tư mới này, giới chuyên gia nhận định việc liên tục đầu tư mới và tăng vốn trong giữa tháng 1/2021 là những tín hiệu đầy lạc quan cho ngành điện tử ở Việt Nam sẽ tiếp tục thu “quả ngọt” khi hút mạnh dòng vốn ngoại trong năm 2021, được ví như “đại bàng về làm tổ”.
Đặc biệt là khi hoạt động sản xuất chế biến chế tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong năm vừa qua với vai trò chủ lực của nhóm ngành sản xuất hàng điện tử và linh kiện, bất chấp các thách thức từ dịch Covid-19.
Sẵn sàng cho những cuộc chuyển mình lớn
Theo giới chuyên gia, động lực của ngành sản xuất điện tử ở Việt Nam hiện đang rất mạnh với nhu cầu ở mức cao, thể hiện qua số lượng đơn hàng mới liên tục tăng tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trụ cột trong chuỗi giá trị như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
Và Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ trên, khi ngày càng củng cố vị thế với tư cách là trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á, nhất là việc Việt Nam đã lấy được thị phần xuất khẩu sản phẩm điện tử sang Mỹ từ Trung Quốc với cả sản phẩm trung gian và cuối cùng.
Cần ghi nhận các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra một sự thúc đẩy rất cần thiết cho các ngành công nghiệp của Việt Nam, và việc xóa bỏ thuế quan sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm sản xuất điện thoại và các sản phẩm điện tử.
Đơn cử như với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), điểm khác biệt nằm ở quy tắc xuất xứ, khi Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN là những đối tác chính mà Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP sẽ có thể đáp ứng điều kiện xuất xứ một cách dễ dàng hơn.
Ts. John Walsh, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế - Đại học RMITcho rằng, nhờ Hiệp định RCEP, các lĩnh vực đã thành công từ trước ở Việt Nam (điển hình như ngành điện tử) sẽ thu hút thêm đầu tư và các lĩnh vực liên quan sẽ thu hút đầu tư mới.
“Điều này có nghĩa là hoạt động sản xuất và lắp ráp từ Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được đẩy mạnh, còn một số hoạt động công nghiệp sẽ được di dời khỏi Trung Quốc sang”, Ts. Walsh nói.
Theo chuyên gia của RMIT, để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần chú trọng vào cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông và kết nối viễn thông), tiếp đến là giáo dục để bổ sung kỹ năng và năng lực cho lực lượng lao động.
Có thể nói, ngành điện tử ở Việt Nam đang tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm của các “đại bàng” công nghệ nước ngoài (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và châu Âu).
Chính vì vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam cần cùng nhau chung tay để “xây tổ” cải tiến và thúc đẩy công nghệ nhằm sẵn sàng cho những cuộc chuyển mình lớn trong năm 2021.
Tuy nhiên, khi đã đón được “đại bàng” trong ngành điện tử, câu chuyện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tại Việt Nam vẫn rất cần tiếp tục được cải thiện hơn nữa.
Đi cùng với những cơ hội lớn, ngành điện tử ở Việt Nam vẫn sẽ có những thách thức không hề đơn giản về sự thay đổi và phát triển. Đón nhận làn sóng đầu tư ngành điện tử cũng là “mở cửa” cho những sự thay đổi mới, mà trong đó công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực, giúp Việt Nam hái "trái ngọt".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam