Khi thị trường chứng khoán trong 'cơn say'
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 35 tỷ USD trong 2020 / Ngân hàng hưởng lợi lớn từ dòng vốn rẻ
Kể từ khi Vn-Index vượt 1.100 điểm vào đầu năm 2021, mỗi ngày chỉ số này đều tăng hơn chục điểm, nếu có phiên điều chỉnh thì ngay lập tức sẽ “lấy lại những gì đã mất”, mốc 1.200 điểm đang ở rất gần-đây là mốc điểm lịch sử mà sau gần 3 năm thị trường mới có thể có hy vọng chạm tới.
Những ai đã từng bán tháo cổ phiếu ở thời điểm Vn-Index xuống 650 điểm vào cuối tháng 3/2020 vì Covid-19 sẽ không thể ngờ rằng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, thị trường đã tăng gần gấp đôi. Những ai không tin vào một uptrend "siêu to siêu khổng lồ" trên thị trường phái sinh thì gần như nhận được cái kết đắng.
Nhiều cảnh báo thận trọng
Nhận định về bối cảnh thị trường hiện nay, ông Lê Hoàng Phương - Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc Vn-Index duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ và tiến tới tiệm cận thử thách vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1.200 điểm có thể tạo ra áp lực điều chỉnh nên việc duy trì quan điểm thận trọng trong giai đoạn này là hoàn toàn hợp lý.
Dùrủi ro trên thị trường chứng khoán là luôn hiện hữu nhưng mấy ai từ bỏ khi "bữa tiệc còn sôi động". |
Mặc dù rủi ro thị trường giảm điểm là điều mà các nhà đầu tư không mong muốn, nhưng ở một góc nhìn khác, việc chững lại lại cho phép thị trường nghỉ ngơi và tích lũy xung lực cần thiết để có thể tiếp tục đà tăng điểm trong tương lai.
Cũng theo ông Phương, dù thị trường vẫn còn khá nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng cũng không phải là không có rủi ro.Có thể kể đến như yếu tố lạm phát trên thế giới tăng mạnh trở lại khiến ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất hoặc kết thúc việc bơm tiền.
“Xác suất rủi ro này không cao nhưng nếu xảy ra thì sẽ có tác động rất tiêu cực đến thị trường chứng khoán do tiền rẻ đang là một trong những yếu tố chính giúp thị trường hồi phục và tăng điểm mạnh mẽ trong thời gian qua", ông Phương nhận định.
Ngoài ra, còn có các yếu tố tác động khác như động thái của Mỹ lên một số mặt hàng của Việt Nam, hay như các điểm nóng trong đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, nền kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh.
Cũng đưa ra nhận định thận trọng, Công ty chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng, chỉ số Vn-Index đang tiến sâu vào vùng quá mua và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào hay nói cách khác là Vn-Index đang bị kéo lên quá đà và rất cần một nhịp điều chỉnh.
Đồng quan điểm cho rằng thị trường đang cần một nhịp điều chỉnh, Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) khuyến nghị nhà đầu tư cơ cấu danh mục theo hướng bán các cổ phiếu có dấu hiệu tạo đỉnh, giữ lại các cổ phiếu đang có đà tăng tốt, chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn để mua vào.
Từ góc độ kĩ thuật SHS cho rằng, thị trường hiện đang nằm ở cuối sóng 3 quanh ngưỡng 1.185 điểm và có thể sẽ cần nhịp điều chỉnh của sóng 4 nhằm giúp thị trường bớt nóng trước khi quay trở lại sóng tăng 5 để vượt mức đỉnh lịch sử quanh 1.211 điểm là đỉnh tháng 4/2018.
Nhưng bị thờ ơ
Thực tế, những cảnh báo về rủi ro của thị trường không phải đến thời điểm này các công ty chứng khoán, các nhà phân tích mới đưa ra mà đã được công bố khá nhiều lần. Tuy nhiên, mọi lời cảnh báo dường như đang quá mờ nhạt khi các nhà đầu tư vẫn "xếp hàng" đi mở tài khoản mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tất cả các báo cáo phân tích đầu năm của các các công ty chứng khoán đều phải cập nhật liên tục bởi hầu hết các cổ phiếu đều vượt giá mục tiêu (target price) mà các chuyên viên phân tích đưa ra chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Lý giải điều này trong một báo cáo mới đây của quỹ Vinacapital cho biết, giá trị giao dịch toàn thị trường chứng khoán tháng 12 năm ngoái tăng vọt lên mức kỷ lục 14.800 tỷ đồng/ngày tính trên cả ba sàn, cao hơn 49% so với tháng 11 và 343% so với tháng 12/2019.
Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân mở 63.075 tài khoản mới trong tháng 12, tăng 54% so với tháng 11 và 326% so với tháng 12/2019. Đây cũng là con số kỷ lục về số tài khoản mới trong tháng.
Cũng trong tháng 12/2020, nhà đầu tư cá nhân chiếm 92,7% giá trị giao dịch trên thị trường trong tháng, trong khi những năm trước con số đó chỉ vào khoảng 85%.
"Giới đầu tư cá nhân trong nước ở trong trạng thái khá hưng phấn", VinaCapital đánh giá.
Tại một diễn đàn chứng khoán, ông Nguyễn Xuân Thành-thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng thị trường vẫn đi lên do niềm tin về hiệu quả vaccine rất lớn. Bên cạnh đó, chứng khoán còn được hỗ trợ bởi những thông tin rất lạc quan như các nền kinh tế chính đều được dự báo phục hồi trong năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài được nối lại, sức mua trong nước phục hồi và đầu tư của doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh. Ngoài ra, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong khi IMF, World Bank hay các ngân hàng quốc tế còn kỳ vọng 7-8%.
"Chính vì thế, nhà đầu tư trong nước đang bơm tiền mà tạm quên đi những rủi ro", ông Thành nhận định.
Đưa ra cái nhìn về bối cảnh hiện tại của thị trường, các thế hệ Fn-những người đã gắn bó với thị trường 10 năm, 20 năm đã đi qua các cơn sóng thần và bị vùi dập không ít lần cho biết, trong những bữa tiệc của thị trường chứng khoán Việt Nam không phải ai cũng được ăn no nhưng tại mỗi trận đòn thì hầu hết mọi người đều đau, thế nhưng "mấy ai dám rời bỏ bữa tiệc khi nó còn sôi động".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết