Thị trường

Quảng Bình: Thị trường hoa và cây cảnh ảm đạm, sức mua hàng hóa giảm 50% so với Tết năm trước

DNVN - Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên Đán 2021, dạo quanh một vòng thị trường mua sắm ở Thành phố Đồng Hới có phần nhộn nhịp hơn nhưng sức mua giảm sút hơn so với những năm trước rất nhiều và không biến động về giá cả.

TP.HCM: Công bố kết quả xét nghiệm 35 người tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 mới / Hà Nội: Không phong tỏa tràn lan, xử phạt nhiều người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Ảm đạm thị trường hoa và cây cảnh

Tết Nguyên Đán năm nay, đối với người dân Việt Nam là một năm đặc biệt, tình hình dịch bệnh bùng phát khiến tình hình kinh doanh không được thuận lợi như những năm trước. Dạo qua thị trường hoa Tết ở khu vực trung tâm thành phố Đồng Hới - Quảng Bình, chợ Đồng Hới, chợ Ga các loại hoa cổ truyền đã tập trung về bày bán, như mai, đào, quất, thược dược… nhưng lượng người tập trung ở các chợ hoa và các nhà vườn không rộn ràng như các năm.

Các loại hoa dao động với giá từ 300.000 VNĐ đến vài chục triệu. Hoa đào biếc và đào phai được chuyển từ Hà Nội và các tỉnh lận cận được bán với giá từ 900.000 VNĐ đến 3.000.000 VNĐ, các loại đào thế đặc biệt bán với giá 10.000.000 VNĐ đến 20.000.000 VNĐ, song khá kén khách mua.

Các loại hoa mai được chuyển từ các tỉnh phía Nam về cũng bán với giá tương tự đào. Các loại cúc tài lộc, được dân Miền Trung ưa chuộng được bán một cặp từ 1.000.000 VNĐ đến 2.500.000 VNĐ. Thị trường các loại hoa truyền thống như lay ơn, ly, đỗ quyên… giá không thay đổi so với ngày thường và các năm khác... giá dao động từ 300.000 đến 1.000.000 VNĐ. Tuy nhiên, để đánh giá sức mua các loại hoa lạ và độc thì thị trường Quảng Bình không có sự đột biến và không có sự thay đổi. Với tình hình dịch bệnh, những người chuyên buôn hoa lạ và độc như mọi năm không dám đánh về vì sợ ế ấm.

Chợ hoa Tết đang thưa thớt người mua

Chợ hoa Tết đang thưa thớt người mua.

Một tiểu thương bán hoa ở chợ hoa cho biết: “Năm nay chúng tôi không dám đánh hoa về nhiều vì “sợ ế”, bây giờ đã 25 Tết nhưng sức mua “lèo tèo”, chúng tôi thực sự lo lắng. Một năm làm ăn khó khăn, giờ còn ít vốn liếng để buôn hoa mong có chút tiền trang trải cho gia đình, nhưng giờ đang đánh cược tiền bạc trong những ngày cuối. Với sức mua này không biết nói gì hơn.”

Theo chị Nguyệt Ánh, một người dân ở Đồng Hới: “Năm nay chúng tôi sẽ thực hiện mua sắm giảm hơn mọi năm, dịch bệnh hạn chế tiếp xúc, nên gia đình chúng tôi hạn chế tập trung. Thôi thì ăn uống, mua sắm gì cũng giảm.”

Giá thực phẩm bình ổn, sức mua bằng 50% so với cùng kỳ năm trước

Thực phẩm luôn là mặt hàng thiết yếu và được dự trữ trong những ngày Tết, dạo quanh thị trường từ các chợ như: Đồng Hới, Chợ Ga, siêu thị Copmart giá thịt lợn dao động từ 100.000 VNĐ đến 140.000 VNĐ, tùy theo mặt hàng như sườn, ba chỉ, mông. Thịt bò thăn giá được áp 240.000 VNĐ đến 250.000 VNĐ. Bên cạnh đó, mặt hàng các loại cá nước mặn được bày bán ở chợ và các siêu thị giá chỉ nhích nhẹ hơn so với ngày thường chừng 10.000 VNĐ đến 20.000 VNĐ. Giá các loại gia cầm ở Quảng Bình vẫn giữ nguyên mức giá cũ từ 85.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ.

Theo một tiểu thương chuyên cung cấp các loại gia cầm thì, năm nay sức mua giảm sút trầm trọng hơn so với các năm, các nhà hàng lượng khách cũng ít, và khách du lịch hầu như “đóng băng” nên sức mua đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; Các mặt hàng áo quần, xa xỉ phẩm, cũng trong tình trạng không có sự đột biến lớn trong sức mua và giá cả. Những thương hiệu thời trang lớn có giá cao, mặc dù đã có chiến lược giảm từ 20 đến 50% Elise, thời trang Nem, thời trang Eva… sức mua giảm sút hơn so với những năm trước rất nhiều.

Mặc hàng bánh kẹo cũng đang vắng bóng người

Mặt hàng bánh kẹo cũng đang vắng bóng người.

Tết Nguyên Đán đang đến gần, thị trường tiêu dùng ở Quảng Bình tuy có tăng hơn những ngày bình thường, nhưng những kỳ vọng mua may bán đắt và thu về những khoản tiền lớn như mọi năm “thì không có”. Chị Hà, một người dân Đồng Hới cho biết: “Năm nay dịch bệnh, chúng tôi đi làm chỉ được 70% lương, thưởng cũng ít, thì mua sắm ngày Tết chỉ nhỉnh hơn ngày bình thường đôi chút. Tiền đâu để chi tiêu và mua sắm nhiều".

Chị Minh, chủ một doanh nghiệp du lịch chia sẻ:” Tết sắp đến rồi, tiền bạc phải chạy vạy, “giật gấu vá vai”. Lương thì phải trả cho nhân viên, booking thì hủy, tiền tour đoàn thì không trả, chúng tôi phải xin ngân hàng vay thêm, còn nếu không vay được thì phải “vay nóng” để trả lương cho nhân viên. Cứ đà này, nếu thêm vài tháng nữa không biết doanh nghiệp có tồn tại được hay không.”

Tết Nguyên Đán đang đến gần, với tâm lý lo ngại dịch bệnh và tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp cũng đang gồng mình qua cơn “bĩ cực”, thì chi tiêu trong giai đoạn này cũng đang được cầm chừng, sức mua các mặc hàng từ hoa, đến thực phẩm, mứt bánh kẹo… giá cả vẫn bình ổn. Chỉ vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán 2021, thi trường mua sắm ở Quảng Bình cầm chừng và không có sự tăng giá so với những ngày thường. Theo đánh giá sức mua ở chợ, các tiểu thương cho biết bằng 50% so với cùng kỳ năm trước...

Thanh Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm