Thị trường

Quảng Nam: "Danh bất hư truyền" gà tre Đèo Le

Từ năm 2014, nhãn hiệu “Gà Tre đèo Le” đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, điều này đã góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động tại Quế Sơn (Quảng Nam). Nhờ phát triền đàn gà này nhiều hộ kinh doanh cũng như người chăn nuôi gà tre thả vườn đã thay đổi cuộc sống.

Đề xuất xây 16km đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch / Covid-19 là cơ hội đẩy nhanh việc giảm lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc

Gà tre chỉ có duy nhất ở những vùng quê của huyện Quế Sơn. Là loại gà nhỏ con, chậm lớn, có chân nhỏ màu vàng, nhanh nhẹn. Gà được nuôi từ 2,5 - 3 tháng là bán và gà chỉ nặng khoảng 600 đến 700g. Đặc biệt, sau khi làm thịt và nhổ lông, lớp da của gà thường có màu vàng rực như màu nghệ.

Cầu vượt cung

Theo ông Hồ Anh Trung – Chủ tịch UBND xã Quế Long, hiện toàn xã Quế Long có hơn 90% số hộ nuôi gà, trong đó có 60 hộ chăn nuôi với quy mô lớn, 6 hộ nuôi gà giống để nhân bán, trong đó nổi bật là HTX Nông nghiệp Quế Long (huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Gà tre chỉ có duy nhất ở những vùng quê của huyện Quế Sơn (Ảnh:TL)

Gà tre chỉ có duy nhất ở những vùng quê của huyện Quế Sơn (Ảnh:TL)

Các hộ chủ yếu nuôi giống gà tre truyền thống và gà kiến thả vườn (gà ta). Những năm qua, nhờ nuôi gà mà nhiều hộ vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống. Điển hình là hộ Nguyễn Văn Công, Lê Văn Minh (thôn Lộc Thượng), Phan Thị Tiền (thôn Xuân Quê)… với thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/hộ/năm.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập là chưa thành lập được đơn vị đầu mối và chưa xây dựng được quy chế để quản lý chứng nhận sản phẩm thịt gà sống có nguồn gốc từ gà ta thả vườn được nuôi trên địa bàn huyện Quế Sơn trước khi cung cấp cho các hộ kinh doanh sản phẩm thịt gà sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gà Tre đèo Le”.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt gà của người tiêu dùng tại các cơ sở kinh doanh rất lớn nên nguồn cung ứng không đảm bảo dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

Do đó ngành chức năng huyện Quế Sơn đã phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhất là xã Quế Long tuyên truyền, tạo nhận thức cho người chăn nuôi và người kinh doanh trong việc giữ gìn, quảng bá và phát triển thương hiệu “Gà Tre đèo Le”, cam kết không kinh doanh sản phẩm thịt gà không rõ nguồn gốc.

 

Ngoài ra, UBND huyện đã cấp Giấy chứng nhận cho HTX NN Quế Long để làm đơn vị đầu mối thu gom, thẩm định nguồn gốc, chất lượng gà và cung ứng sản phẩm cho các hộ kinh doanh và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm thịt gà tại địa bàn thôn Lộc Thượng, xã Quế Long.

Mở rộng mô hình

Ông Lê Ngọc Trai – Giám đốc HTX NN Quế Long cho hay: “Hiện chúng tôi đang xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gà tre Đèo Le nhằm giải quyết đầu ra cho người dân, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi tập trung và áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp cận thị trường…”.

Mở rộng mô hình "Gà tre Đèo Le" nhằm nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: TL)

Mở rộng mô hình "Gà tre Đèo Le" nhằm nâng cao thu nhập cho người dân (Ảnh: TL)

 

Nhận thấy mô hình “Gà tre Đèo Le” phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, HTX đã đề nghị các cấp cần có chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình và tăng cường công tác quản lý nhằm bảo vệ, phát triển và khai thác tốt hơn nữa thương hiệu “Gà tre Đèo Le”, giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, mô hình có hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường. Lợi nhuận thu được khá, các kỹ thuật áp dụng tại mô hình dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện của người dân tại địa phương, đặc biệt việc áp dụng chặt chẽ quy trình tiêm phòng và các chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học, xử lý môi trường nên đã quản lý tốt được dịch bệnh, giảm mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết:"Sắp tới chính quyền địa phương sẽ nhân rộng mô hình này, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”.

Năm 2019, HTX đã đăng ký sản phẩm "Gà tre Đèo Le" tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Nam.

 

Nhằm tiếp sức cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện Quế Sơn đã hỗ trợ gần 13 triệu đồng cho HTX Nông nghiệp Quế Long mua tủ đông lạnh và máy hút chân không để bảo quản sản phẩm gà tre Đèo Le.

Không chỉ vậy, huyện cũng đã triển khai hỗ trợ xây dựng website, tư vấn thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện, sản phẩm "Gà tre Đèo Le" đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm