Thị trường

Bến Tre: Tăng thu nhập từ mô hình nuôi dê vỗ béo

Với đặc tính dễ nuôi, thích ứng điều kiện biến đổi khí đậu hiện nay, nhiều hộ dân Bến Tre lựa chọn nuôi dê để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Kỳ công nuôi ong bạc hà trên cao nguyên đá vắt ra mật cực thơm / Ngành thức ăn chăn nuôi tìm hướng thoát khủng hoảng

Theo anh Nguyễn Văn Chí, trú tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), trước đây gia đình thuộc diện khó khăn, vợ chồng anh Chí ra ở riêng chỉ có gần 2.000m2 đất trồng lúa. Do diện tích đất ít nên thu nhập mỗi năm không đủ trang trải cuộc sống, nên thuộc gia đình hộ nghèo của xã. Thậm chí anh Chí còn phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

Trong ảnh: Nuôi dê theo hình thức bán hoang dã được người dân vùng biển lựa chọn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Nuôi dê theo hình thức bán hoang dã được người dân vùng biển lựa chọn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Anh Nguyễn Văn Chí chia sẻ, thấy nhiều hộ nuôi dê hiệu quả, ít tốn công chăm sóc nên gia đình anh đã mạnh dạn mua 2 con dê cái sinh sản để nuôi. Sau một năm, dê sinh được 4 con (3 dê cái, 1 dê đực) anh tiếp tục để nuôi, đàn dê được nhân lên ngày càng nhiều.

Nhận thấy nuôi dê thịt vỗ béo hiệu quả nên anh vaythêm nguồn vốn từ ngân hàng để mua dê con (dê đực) từ các hộ trong vùng để nuôi vỗ béo. Hiện nay, đàn dê của gia đình đã hơn 20 dê nái, trong chuồng lúc nào cũng có từ 30-40 dê thịt nuôi vỗ béo. Bên cạnh đó gia đình anh Chí còn cung cấp dê giống cho người dân để nuôi. Mỗi năm gia đình anh Chí xuất bán 2-3 đợt, từ 40-60 con/năm cho thu nhập từ 120 triệu - 140 triệu đồng/năm.

Anh Chí chia sẻ thêm, do dê đặt tính dễ nuôi ít bệnh, thức ăn nhiều loại lá cây nên cũng dễ tìm, đặc biệt vào mùa khô nước mặn nhưng dê vẫn phát triển bình thường. Mặt khác, do dê có vốn đầu tư ban đầu thấp, mỗi con dê nuôi từ 4-5 là có thể xuất bán, do đó con dê cũng được nhiều gia đình lựa chọn để kiếm thêm thu nhập phát triển kinh tế cho gia đình.

Còn theo anh Võ Hoài Phong, trú tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), con dê phù hợp với điều kiện khắc nghiệt với người dân vùng biển. Đặc biệt, do dê chịu được mặn, có nguồn thức ăn phong phú từ các loại lá cây như: mắm, đước, cỏ nước mặn…có nhiều ở ven biển, nên thích hợp cho người dân nuôi kiếm thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Hiện tại, anh Phong nuôi hơn 60 con dê, vừa dê cái sinh sản tại nhà, đồng thời tìm mua con dê đực về nuôi vỗ béo.

 

Anh Phong chia sẻ thêm, gia đình anh nuôi dê theo hình thức bán hoang dã, chỉ xây dựng chuồng cho dê ngủ buổi tối, ban ngày dê thả tự nhiên trong vườn rào. Nuôi bán hoang dã dê phát triển nhanh hơn trong môi trường nuôi nhốt, mỗi ngày gia đình anh chặt các loại lá cây về cho dê ăn. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 30-40 con dê thịt và dê giống cho người dân, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Một điển hình nuôi dê phải kể đến gia đình anh Huỳnh Ngọc Đức, trú tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.

Anh Huỳnh Ngọc Đức chia sẻ, năm 2010, anh được người chủ vườn nơi làm thuê bán cho một con dê giống. Sau một năm chăn nuôi, con dê đẻ được 2 con dê đực, anh bán được gần 7 triệu đồng. Đồng thời, anh vay thêm ngân hàng Chính sách Xã hội 12 triệu đồng đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm dê giống để chăn nuôi.

Bên cạnh đó anh Đức cũng tích cực hỏi hỏi kinh nghiệm cách chăm sóc dê nhờ đó đến nay đàn dê của gia đình anh Đức đã hơn 100 con.

Theo anh Đức để cải thiện nguồn giống dê anh đã chuyển đổi nuôi giống dê Bách Thảo sang nuôi giống dê Boer. Đây là loại dê mau lớn, dễ nuôi, thịt nhiều, được thị trường ưa chuộng. Dê Boer nặng hơn dê Bách Thảo khoảng 10 kg. Với vòng sinh sản dê Boer ngắn, trung bình 2 năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Dê con đẻ ra nuôi 3 tháng tiến hành tách đàn để nuôi thịt, nuôi từ 5- 6 tháng có thể xuất bán.

 

Ước tính, mỗi năm, anh Đức xuất bán từ 2 đến 3 đợt dê thịt, tổng các đợt từ 30 -40 con, giá hiện tại từ 120.000-140.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn nhận chăm sóc dê cái để phối giống cho các hộ nuôi có nhu cầu hoặc chở dê đực đến các hộ nuôi để phối giống, mỗi tháng thu nhập từ phối giống 5-6 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho hay, đàn dê của tỉnh Bến Tre có hơn 160 nghìn con, hiện nay giá dê tăng cao do nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước ngày càng tăng.

Cũng theo ông Thái, con dê là vật nuôi được người dân lựa chọn trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nhất là người dân vùng biển, người nghèo vì có nguồn vốn đầu tư thấp, đặc tính dễ nuôi, nguồn thức ăn đa dạng, dễ chăm sóc ít bệnh.

Hiện tại ngành chức năng, khuyến cáo người dân lựa chọn giống dê nuôi thích hợp, tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Bên cạnh đó, người dân cũng cần tìm hiểu nhu cầu thị trường để có hướng nuôi phù hợp. Tỉnh Bến Tre đang xây dựng chuỗi giá trị cho con dê để nâng cao giá trị con dê, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm