Thị trường

Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA

DNVN-Sáng 8-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) với tỷ lệ tán thành đạt 461/462 đại biểu Quốc hội có mặt và tham gia biểu quyết, chiếm 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội.

EVFTA và EVIPA sẽ mang lại nhiều lợi ích rất lớn / Tích cực chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn EVFTA

Trước đó, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVIPA tại phiên họp ngày 20-5. Kết quả tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, hầu hết ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn Hiệp định đồng thời với Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

461/462 đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD; việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng phân tích những khó khăn, thách thức và đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực. Có ý kiến cho rằng cần chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp để khai thác các lợi thế mà Hiệp định mang lại.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng nhất trí đánh giá, nội dung của Hiệp định không trái với Hiến pháp và cơ bản phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam, tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm