Thị trường

EVFTA: Không chỉ dừng lại ở phê chuẩn kịp thời mà phải hướng dẫn DN thực thi

DNVN - Hiện Việt Nam đang thúc đẩy rất mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở câu chuyện phê chuẩn kịp thời mà phải triển khai có hiệu quả bằng những bước đi cụ thể ngay khi hiệp định có hiệu lực.

EVFTA và Covid-19 tác động như thế nào đến BĐS công nghiệp Việt Nam 2020? / Hội đồng châu Âu thông qua EVFTA, chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ được Quốc hội họp về việc phê chuẩn vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Theo nhiều chuyên gia, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau giai đoạn đình trệ vì dịch bệnh, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn.
EVFTA giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Theo cam kết của EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho chúng ta trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Bên lề cuộc hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Simon Birmingham diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo lộ trình, từ ngày 01/7 tới hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực. Đây chính là cơ hội và công cụ vô cùng quan trọng giúp chúng ta lấy lại sự chậm trễ và mất mát trong thời gian vừa qua trong thương mại quốc tế cũng như trong lĩnh vực xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ việc cần thiết triển khai các bước đi cụ thể khi EVFTA có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, để làm được điều này, chúng ta không chỉ dừng lại ở câu chuyện phê chuẩn kịp thời mà phải triển khai ngay có hiệu quả hiệp định từ ngày 01/7.
Theo đó, cần triển khai và thực hiện tốt hai công việc. Thứ nhất, tổ chức, xây dựng và ban hành ngay các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các cam kết hội nhập với đối tác để chúng ta hướng dẫn các DN và đối tác thực thi các nội dung hiệp định.
Thứ hai, tổ chức làm việc và cung cấp kiến thức pháp luật và làm việc cụ thể với các hiệp hội, ngành hàng trên cơ sở kịch bản tăng trưởng và phát triển cho từng nhóm hàng, ngành hàng, lĩnh vực ở thị trường này trên cơ sở của EVFTA.
"Và việc này sẽ được thực thi trên cơ sở nền tảng là kế hoạch hành động mà Chính phủ đã ban hành và Bộ Công Thương sẽ đôn đốc thực hiện. Dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thực phẩm cũng như các ngành chế biến, chế tạo khác... sẽ xác định cụ thể mục tiêu tăng trưởng là bao nhiêu, dư địa còn lại ở đó là như thế nào, điều kiện ưu đãi về thuế quan và các hàng rào kỹ thuật sẽ được thực thi như thế nào với vai trò của Nhà nước, và DN để có bước đồng hành rõ ràng, cụ thể với nhau, qua đó biến cơ hội thành kết quả cụ thể trong nửa cuối 2020", ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Cho rằng đây là những nội dung quan trọng mà Chính phủ cũng như các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương cần phải tính toán, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, cần phải tiếp tục thu hút đầu tư để tái cơ cấu các ngành kinh tế, năng lực cạnh tranh ở các ngành này, sản phẩm này tại thị trường đó cũng như thị trường toàn cầu.
Với các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Việt Nam cũng có sự quan tâm rất đặc biệt ngay trong thời điểm hiện nay. Hàng loạt các cuộc điện đàm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump, của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và mới đây, là cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ Công Thương với Hạ nghị sĩ, bà Carol Miller - hiện đang là Thành viên Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng, Ủy ban Giám sát và Cải cách và Ủy ban tạm thời về Khủng hoảng Khí hậu tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Tất cả những cuộc điện đàm này đều đã cụ thể hóa và đặt ra những yêu cầu cụ thể cho câu chuyện khai thác cơ hội sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế, trở lại trong tình trạng mới trong việc hợp tác với Mỹ và các nước đó.
"Cũng tương tự như thị trường châu Âu, chúng tôi đang xây dựng các kịch bản cụ thể cho sự tăng trưởng trong từng lĩnh vực, khu vực ở từng thị trường. Trên cơ sở mục tiêu đó, phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng khu vực như khu vực DN, khu vực Nhà nước, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan đầu mối, cơ quan XTTM cũng như chính quyền từ TƯ đến địa phương. Làm được điều này thì chúng ta sẽ khai thông được thị trường, đảm bảo được sự phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai của không chỉ dệt may, da giày mà của hàng loạt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quan trọng khác của đất nước cũng như lĩnh vực nông nghiệp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm