Rào cản pháp luật thương mại đối với Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới
FTA với những bổ sung, tăng cường cam kết của các quốc gia trong vấn đề môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ đã trở thành xu hướng hội nhập của các quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật thương mại Việt Nam hiện nay lại đang tạo ra những rào cản cho quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các Hiệp định này.
Hàng Việt đủ sức cạnh tranh tại Thái Lan / Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu
Sau gần 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết 12 FTA gồm: 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 5 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập. Hiện chúng ta đang đàm phán 3 FTA. Trong số đó có nhiều FTA thế hệ mới, tiêu biểu phải kể tới FTA với Nhật Bản; Liên minh Châu Âu và CPTPP.
Việc Việt Nam ký kết các FTA song phương và đa phương thế hệ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và toàn cầu nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao trong hoạt thiện thể chế và pháp luật liên quan tới thương mại và những vấn đề liên quan khác như: lao động; môi trường; sở hữu trí tuệ.
Theo chuyên gia kinh tế, 15 năm thi hành Luật Thương mại cho thấy những rào cản cho sự tham gia các FTA thế hệ mới xuất phát từ 03 nhóm vấn đề, cụ thể gồm: Thương nhân và hiện diện của thương nhân; Hoạt động thương mại hàng hóa và Các hàng rào kỹ thuật.
Riêng về khái niệm thương nhân được đề cập tại Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 đã không bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên. Yêu cầu thương nhân phải “có đăng ký” kinh doanh cũng không hợp lý bởi quy định này cũng đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký.
Để làm rõ thêm khái niệm về thương nhân Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP giải thích khái niệm cá nhân hoạt động thương mại như “Buôn bán rong (buôn bán dạo)”, “Buôn bán vặt”; “Bán quà vặt”. Trong so sánh với khái niệm thương nhân của các nước khác như Pháp, Mỹ thì khái niệm về thương nhân trong Luật thương mại của Việt Nam đang nói về yếu tố hình thức nhiều hơn nội dung hoạt động và tôn chỉ của thương nhân.
Bên cạnh đó, quy định về sự hiện diện của thương nhân tại Việt Nam tại Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không còn phù hợp. Quy định này cho phép thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc dẫn chiếu quyền thành lập hiện diện thương mại sang điều ước quốc tế là không khả thi bởi theo Luật điều ước quốc tế, cam kết quốc tế lại không có giá trị áp dụng trực tiếp.
Liên quan tới quy định của Luật Thương mại về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một số bất cập đã, đang gây cản trở khá nhiều tới việc lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam trong thực tiễn thương mại, cụ thể:
Ảnh minh họa.
- Quy định về thời điểm chuyển rủi ro (từ Điều 57 đến Điều 61 Luật thương mại): Quy định này cho phép xác định thời điểm rủi ro được chuyển sang người mua trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên dưới góc độ thực tiễn thì quy định này chưa thực sự phù hợp. Vì rủi ro có thể phát sinh kể từ thời điểm hàng hóa không còn nằm trong tầm kiểm soát của người bán, tức là thời điểm hàng hóa được người bán giao cho người vận chuyển và rất có thể hàng hóa bị hư hỏng trước thời điểm ký kết hợp đồng. Về vấn đề này, pháp luật thương mại Việt Nam nên tham khảo Công ước Viên năm 1980 trong đó quy định thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát hành chứng từ xác nhận hợp đồng vận chuyển.
- Quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa (Điều 62 Luật Thương mại): Quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao, có thể hiểu rằng khi hàng xuống cảng thì đã mặc nhiên coi là chuyển quyền sở hữu cho người mua hàng, đây là một điều cực kỳ bất lợi cho bên mua và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế quy định chuyển quyền sở hữu cho người mua kể từ khi người này nhận được các chứng từ định đoạt về hàng hóa.
- Quy định về chế tài thương mại (Điều 292 Luật Thương mại): buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng là các chế tài cơ bản được ghi nhận. Từ thực tiễn thực hiện hợp đồng thương mại, việc áp dụng các quy định về chế tài thương mại đã nảy sinh những bất cập, như đối với khái niệm chế tài “Buộc thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. Chế tài phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 8% và mức phạt theo thỏa thuận tại Bộ luật Dân sự năm 2015 cho các quan hệ dân sự đang tạo rủi ro cho các bên khi lựa chọn mức phạt vi phạm.
Ngoài ra, Việt Nam ký kết hiệp định CPTPP (hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019) và kết thúc đàm phán EVFTA từ năm 2016 đã gỡ bỏ rào cản thuế quan giữa nước ta với các quốc gia thành viên EU và 10 nước cộng đồng kinh tế CPTPP, trong đó có những thị trường nhượng quyền trọng điểm là Canada, Australia, Nhật Bản.
Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 lại chưa theo kịp với những thay đổi này, khi hiện nay hai khái niệm là “nhượng quyền thương mại” và “quyền thương mại” chưa được quy định đầy đủ và trong một vài trường hợp được quy định không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong quan hệ nhượng quyền thương mại; trình tự, thủ tục, chi phí liên quan đến hoạt động nhượng quyền thương mại đều là những vấn đề chưa được làm rõ, chưa hợp lý, chưa thống nhất...
Theo Khánh Chi/tapchitaichinh.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Cột tin quảng cáo