Thị trường

Sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 tăng cao so với tháng 4

DNVN - Sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4, đặc biệt sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên hai con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%) đã đưa chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 11,2%.

Sản xuất công nghiệp cả nước tăng thấp trong tháng đầu năm / Chỉ số sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh

Trước tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Trong đó:
Ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%); riêng ngành khai khoáng tháng 5 giảm 0,4%, tính chung 5 tháng đã giảm 8,1% (cùng kỳ tăng 0,7%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 8,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6,9%; sản xuất trang phục giảm 6,7%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%; sản xuất kim loại giảm 2,2%; dệt tăng 0,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,1%; khai thác quặng kim loại tăng 7,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,6%; khai thác than tăng 5,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,7%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 26,9%; bia giảm 24,5%; xe máy giảm 15,6%; dầu thô khai thác giảm 12,3%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 10,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10,4%; sắt thép thô giảm 9,7%; quần áo mặc thường giảm 8,2%; giày, dép da giảm 6,7%; điện thoại di động giảm 5,4%; thép cán giảm 4,7%; tivi các loại giảm 3,1%.
Trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường; thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng khắp cả nước, có những ngày nắng nóng kỷ lục khiến cho sản xuất và tiêu thụ điện tăng, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 5 tăng 13,7% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).
Sản lượng điện sản xuất tháng 5 ước đạt 20.525,1 triệu kWh, tăng 18% so với tháng trước và tăng 2 % so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt 91.759,8 triệu kWh, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Điện thương phẩm tháng 5 ước đạt 18.150 triệu kWh, tăng 5,9% so với tháng 4 và tăng 2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, điện thương phẩm ước đạt 84.512,3 triệu kWh, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá chung của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4, đặc biệt sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên hai con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%) đã đưa chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 11,2%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 sản xuất công nghiệp trong tháng vẫn giảm ở tất cả các nhóm (trừ sản xuất và phân phối điện tăng 2%), trong đó giảm mạnh ở ngành khai khoáng mà chủ yếu tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 12%) do tác động kép của việc giá dầu giảm sâu và tiêu thụ xăng dầu giảm.
Tính chung 5 tháng 2020, sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu tác động chung của dịch bệnh Covid 19, ảnh hưởng đến tiêu thụ, và sản xuất hàng hóa nên mức tăng trưởng đạt thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm khai khoáng thậm chí tăng trưởng âm.
Dù vậy, trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm