Sẽ có trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam?
Yên tâm vì đình chiến thương mại, DN Trung Quốc trì hoãn chuyển sang Việt Nam / Làm điều không tưởng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đương đầu thách thức mới
Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến tháng 11 năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đã đạt 8,5 tỷ USD và ước giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả năm sẽ đạt 9,3 tỷ USD. Như vậy, so với mục tiêu 9 tỷ USD xuất khẩu lâm sản vào năm 2020 trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển rừng của Việt Nam, thì ngành gỗ đã về đích sớm 2 năm.
Cơ hội lớn từ hai hiệp định
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam có thế mạnh về sản xuất. Nếu các doanh nghiệp làm tốt hơn nữa về thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu thì sẽ sớm hình thành một trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam.
Đặc biệt, với việc ký kết với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA) sẽ mang lại nhiều cơ hội thương mại cho ngành gỗ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các hiệp định này.
Để có hướng phát triển lâu dài trên trường quốc tế, nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp nội địa cần nhận thức rõ thời cơ để nắm bắt và phát triển ngành gỗ của Việt Nam, đặc biệt trong cuộc "chiến tranh" thương mại Mỹ - Trung.
Nếu hai hiệp định EVFTA và CPTPP được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động lớn tới sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam (Ảnh: TL).
Về điều này, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, xung đột thương mại Mỹ-Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển của kinh tế thương mại trong thời gian tới.
Bởi, nếu hiệp định EVFTA và CPTPP đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, thì sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường EU - một trong những thị trường chủ chốt. Và các thị trường mới như Canada, Mexico với mức thuế ưu đãi so với các đối thủ cạnh tranh khác. Từ các thị trường mới này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có được nhiều đơn hàng hơn.
Nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT giữa Việt Nam và EU và đồng hành cùng người tiêu dùng trong chiến dịch bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững thì cơ hội thị trường sẽ còn lớn hơn nữa.
Bên cạnh thu hút đầu tư, hai Hiệp định EVFTA và CPTPP cũng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ thay đổi định hướng thị trường xuất khẩu trong thời gian sắp tới. Bởi, các hiệp định này sẽ giúp cho sản phẩm gỗ Việt Nam tiến vào những thị trường tham gia hiệp định như Canada, Mexico, Chile... với mức thuế ưu đãi hơn.
Ông Khánh cũng khẳng định, trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung về những mức thuế mà Mỹ đưa ra đối với hàng hóa Trung Quốc thì các đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Thậm chí là dịch chuyển cả xu hướng đầu tư vào ngành chế biến gỗ Việt Nam. Ông Khánh lưu ý rằng, nếu sự dịch chuyển đơn hàng và sự dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu của Mỹ thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ về tác động của CPTPP và EVFTA đối với ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam (Ảnh: VĐ).
"Bởi, Mỹ sẽ không ngần ngại áp một mức thuế chống lẩn tránh cho ngành đồ gỗ Việt Nam. Trên thực tế Cục Hải quan Mỹ cũng đã khởi xướng các cuộc điều tra chống lẩn tránh như vậy đối với sản phẩm ván dán của Việt Nam", ông Khánh cho hay.
Nói đến nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Trước làn sóng đầu tư các trang thiết bị hiện đại sẽ giúp lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ được cải thiện rõ rệt.
Ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được Chính phủ chủ trương ưu ái phát triển, lại vướng những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ leo thang, quốc gia đứng đầu xuất khẩu sản phẩm gỗ thế giới đang chuyến dần lợi thế sang Việt Nam.
Tiến tới xây dựng trung tâm triển lãm nội thất quốc tế
Doanh nghiệp gỗ đang quan tâm đến những tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh hiện tại cũng như tương lai sắp đến trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung cũng như Hiệp định EVFTA và CPTPP.
Về điều này, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lớn nhưng chưa đầu tư mạnh vào thương mại.
Theo ông Trai, để trở thành một trung tâm nội thất của thế giới, ngành chế biến gỗ Việt Nam phải thực hiện hoàn thành các cấu phần gồm: Đảm bảo tuân thủ gỗ hợp pháp, tập trung đào tạo nhân lực cho ngành gỗ, xây dựng Viện thiết kế nội thất như là một đơn vị kinh tế độc lập, tiến tới xây dựng trung tâm triển lãm nội thất quốc tế.
Nếu sự dịch chuyển đơn hàng và dịch chuyển đầu tư chỉ diễn ra với ý đồ lợi dụng để lẩn tránh mức thuế nhập khẩu của Mỹ thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng (Ảnh: TL).
Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu gỗ quốc gia và thương hiệu gỗ của doanh nghiệp, phát triển các kênh phân phối thương mại và đầu tư phát triển công nghệ, cơ khí và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ.
Đánh giá về cơ hội của Việt Nam trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam - ông Tim Liston, cho biết cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại đều rất tốt.
Để phát huy các lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm gỗ, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam cần nắm bắt các nguyên tắc làm ăn tại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó cần thận trọng với vấn đề "rửa" xuất xứ hàng hoá của các doanh nghiệp nước ngoài làm ảnh hưởng không tốt đến sản phẩm gỗ Việt Nam.
Ông Tim Liston cho rằng: "Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế. Mỹ đang mở rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường".
Ngày 7/12 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo chuyên sâu của ngành gỗ với chủ đề: "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam".
Sự kiện do Hội mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức, với sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và hơn 300 doanh nghiệp gỗ trong và ngoài nước. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh