Sửa Luật Đầu tư công để khơi thông nguồn lực tăng trưởng
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp nối đà tăng trưởng tích cực / Sức chống chịu của doanh nghiệp Việt ra sao sau bão số 3?
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung “đột phá” trong Dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Trong dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi. Xin Thứ trưởng cho biết đâu là các điểm mới sửa đổi của Dự thảo để phù hợp với các yêu cầu trong tình hình mới?
Điểm mới đầu tiên của Luật Đầu tư công sửa đổi lần này là thể chế hóa ngay các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương. Điểm mới thứ hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và triệt để hơn. Ví dụ như liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, trước đây sẽ phải báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Nhưng lần sửa đổi này, chúng tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn báo cáo với Quốc hội cho phép phân cấp cho Chính phủ và Thủ tướng để điều chỉnh linh hoạt, nhanh hơn và có hậu kiểm. Theo đó, sau khi điều chỉnh sẽ phải báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để theo dõi, giám sát.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị thẩm quyền phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phân cấp thẩm quyền này của Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án trên tinh thần đối với các Ủy ban nhân dân có những các cơ quan chức năng, có lực lượng, có nguồn lực, có thể làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt. Đề xuất này bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ là phân cấp để địa phương tự quyết định, tự chịu trách nhiệm và tự triển khai.
Điểm mới thứ ba là nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Ở đây có rất nhiều điểm mới, trong đó có một điểm nhận được sự ủng hộ rất cao của các bộ, ngành, địa phương là cho phép sử dụng vốn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư. Điểm mới này sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay là muốn chuẩn bị đầu tư dự án phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để có vốn chuẩn bị đầu tư.
Điểm mới thứ tư liên quan đến ODA và đây là lần đột phá về cải thiện các quy định liên quan đến ODA, trên tinh thần các quy trình của các dự án ODA bám sát những quy trình của các dự án trong nước và có điều chỉnh những quy trình đặc thù của ODA về đề xuất dự án hay về đàm phán và giải ngân nguồn vốn ODA, vừa phù hợp với quy định của Việt Nam cũng như phù hợp với quy định của nhà tài trợ nước ngoài, để cải thiện tình hình giải ngân của vốn ODA. Thời gian vừa qua, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp và nhiều vướng mắc phát sinh.
Điểm mới cuối cùng liên quan đến quá trình thực thi pháp luật, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ còn chưa rõ. Lần này sửa Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ những khái niệm để khi thực hiện sẽ góp phần giải quyết được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc là sợ sai bởi khi hiểu thống nhất, các cán bộ liên quan sẽ yên tâm triển khai.
Thưa Thứ trưởng, trong Dự thảo luật này, nội dung phân cấp, phân quyền và đơn giản thủ tục hành chính sẽ được sửa đổi như thế nào để phù hợp với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và một số cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành, từ đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn?
Khi bắt tay vào xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu Ban soạn thảo phải thể hiện được tư duy đổi mới, đột phá trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và phải kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố quản lý và kiến tạo phát triển trong các quy định của Luật Đầu tư công sửa đổi.
Ở khía cạnh phân cấp phân quyền, Ban soạn thảo đã thể hiện được tinh thần mặc dù phân cấp nhưng vẫn đảm bảo phù hợp và không xung đột với các cái luật hiện hành, đặc biệt là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Theo đó, Dự thảo Luật lần này không làm mất đi vai trò về quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong quản lý tài chính nói chung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng cố gắng phân cấp thẩm quyền điều chỉnh trong phạm vi nguồn lực đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh để tạo sự linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện. Chỉ cần có một vài điều chỉnh đột xuất thì cũng đã có thể trình Thủ tướng hoặc trình Chính phủ điều chỉnh được ngay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp để báo cáo với Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Vì vậy, việc phân cấp lần này sẽ linh hoạt hơn và rút ngắn được thời gian, góp phần làm cho việc sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả hơn.
Việc phân cấp phân quyền trong Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cũng giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Khi phân cấp, phân quyền thì các quyền về quyết định chủ trương đầu tư dự án hay quyết định dự án được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan trung ương hoặc của địa phương. Cụ thể, với cơ quan Trung ương là các bộ trưởng hoặc tương đương; ở địa phương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, sẽ là người chịu trách nhiệm về quyết định của mình, qua đó giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt các cái dự án cũng như là điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, vận hành kế hoạch hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nội dung phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Luật lần này cũng là điểm đột phá giúp chuyển mạnh tư duy từ kiểm soát sang hậu kiểm. Tuy nhiên, với việc chuyển sang hậu kiểm, vai trò kiểm tra, giám sát đồi hỏi rất cao, nhất là khi gắn với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi lần này sẽ có nhiều chính sách mới được kỳ vọng giúp khơi thông nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA). Vậy xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn nội dung này?
Trong dự thảo Luật Đầu tư công trình Chính phủ và đang trình Quốc hội, Ban Soạn thiết kế mục riêng, quy định các nội dung liên quan đến các dự án ODA. Xuất phát từ thực tiễn trong thời gian vừa qua, các dự án ODA gặp rất nhiều vấn đề lớn, nhất là “rừng” thủ tục. Thống kê từ các địa phương triển khai dự án ODA cho thấy kể từ khi có ý tưởng cho đến khi thực hiện, dự án ODA phải trải qua khoảng thời gian thường từ 5-6 năm để chuẩn bị, đến khi thực hiện thì đã rất lâu và sẽ phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại rất nhiều lần. Đây chính là điểm hạn chế cơ bản của các dự án ODA hiện nay.
Vì vậy, trong sửa đổi Luật lần này, Ban Soạn thảo đã quyết tâm tạo đột phá trong quản lý dự án ODA, gần như chuyển hẳn toàn bộ trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt dự án ODA… áp dụng theo quy trình như dự án trong nước, chỉ thêm bước đề xuất dự án theo quy định của Luật Quản lý nợ công và bước đàm phán ký kết hiệp định vay. Đây là hai bước khác biệt so với các dự án trong nước. Hai bước thủ tục này có thể dài hơn đối với dự án trong nước một chút, nhưng đã được cải thiện nhiều hơn, đặc biệt liên quan đến vấn đề điều chỉnh các dự án ODA bởi vì khi dự án ODA thực hiện kéo dài, các thông số của dự án sẽ bị thay đổi và sẽ phải điều chỉnh và cái trình tự, thủ tục điều chỉnh lần này cũng được đổi mới gắn liền với cái quy trình của vốn trong nước. Thế do vậy mà mà cái trình tự, thủ tục của chúng tôi đã kỳ vọng là nó sẽ ngắn hơn rất nhiều so với trước đây. Đây cũng là điểm đột phá nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của các nhà tài trợ nước ngoài.
Ở lần sửa đổi này, vốn viện trợ không hoàn lại cũng được cải cách mạnh mẽ. Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình nên viện trợ không hoàn lại không còn nhiều nữa nhưng vẫn là nguồn quan trọng. Xuất phát từ thực tiễn khi xảy ra thiên tai, bão lũ, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế bằng các nguồn viện trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, thủ tục nhận viện trợ không hoàn lại rất phức tạp, mất nhiều thời gian khiến nguồn vốn hỗ trợ không được sử dụng kịp thời do các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, Ban Soạn thảo quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” này để các nguồn viện trợ khẩn cấp được sử dụng đúng mục tiêu, kịp thời phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, điểm đột phá trong Dự thảo Luật lần này liên quan đến dự án ODA là nội dung giải ngân vốn ODA. Hiện nguồn vốn vay ODA của các địa phương bao gồm phần cấp phát của Trung ương và tỉ lệ vay lại của địa phương ở một mức độ nhất định tùy theo sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn ODA trước đây phải đảm bảo tỉ lệ mà địa phương phải vay lại, tức là giải ngân song hành giữa vốn cấp phát và vốn vốn vay lại. Vì vậy khi một trong hai nguồn vốn hết hạn mức thì nguồn vốn còn lại dù còn nhiều cũng không giải ngân được. Vì vậy, lần sửa đổi này sẽ khắc phục được “điều đáng tiếc” này để có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn để giải ngân được ngay về mặt kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ nhưng vẫn đảm bảo được quy định của Luật Quản lý nợ công “giải ngân đồng thời song song giữa vốn cấp phát và vốn vay lại”.
Thưa Thứ trưởng, Dự thảo luật lần này sẽ được sửa như thế nào để đảm bảo được tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với các luật khác, từ đó tạo sự thống nhất trong kế hoạch bố trí vốn và chi vốn?
Đây là một trong những yêu cầu hàng đầu trong công tác xây dựng luật hiện nay. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Dự án Luật, Bộ Tư pháp đã yêu cầu phải rà soát các quy định pháp luật mới với các quy định pháp luật hiện hành để dự luật mới không xung đột, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành. Đây là một nội dung Ban Soạn thảo phải rà soát rất kỹ, mất rất nhiều thời gian. Đến nay, qua phân tích và đánh giá, các quy định mới được đề xuất trong Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cơ bản không có xung đột gì với các luật khác, thậm chí còn phù hợp hơn, nhất là sự song hành giữa hai luật xương sống với công tác đầu tư công là Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Đây là hai luật đang được sửa song hành. Hiện Bộ Tài chính cũng đang chủ trì một công tác sửa 7 luật liên quan đến vấn đề về tài chính và ngân sách. Theo đó, có những điều khoản của Luật Ngân sách phải sửa để phù hợp với Luật Đầu tư công mới.
Ví dụ khi thực hiện một dự án đi qua nhiều địa bàn nhưng lại giao cho một địa phương làm chủ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc trong Luật Ngân sách cũng phải có quy định tương ứng cho phép địa phương này được sử dụng ngân sách để chi tiêu cho các địa phương khác thì dự án mới thực hiện được.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp. Vậy thưa Thứ trưởng tại sao phải thông qua theo cách rút gọn như vậy và liệu quy trình rút gọn này có đảm bảo được chất lượng của Dự thảo Luật sửa đổi?
Việc trình Quốc hội thông qua Luật này theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là cần thiết bởi các lý do. Đầu tiên là công tác tổng hợp, tổng kết, sơ kết thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có rất nhiều thông tin để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, để sửa Luật và đã nghiên cứu các hướng để sửa hợp lý.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công sửa đổi với hiệu lực đề xuất từ ngày 1/1/2025 cần được thông qua tại kỳ họp này là để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Do việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ bắt đầu vào năm 2025 nên nếu Luật Đầu tư công sửa đổi lần này được thông qua thì gần như toàn bộ kế hoạch 2026-2030 sẽ được áp dụng theo Luật sửa đổi, do vậy sẽ không có cái bước chuyển tiếp phức tạp hoặc có các dự án phải áp dụng cả hai luật.
Đặc biệt, cho dù đề xuất thực hiện quy trình rút gọn thông qua tại một kỳ họp nhưng toàn bộ hồ sơ của luật và các nội dung đều được Bộ Kế hoạch Đầu tư triển khai như một bộ luật được thông qua tại hai kỳ họp, vì đã có những báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc cũng như tổ chức các hội thảo, hội nghị lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan và cá nhân liên quan, để bổ sung và hoàn thiện thêm Dự án Luật này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá chất lượng của hồ sơ Luật lần này được chuẩn bị khá kỹ và đảm bảo chất lượng, chủ yếu chỉ còn tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nếu trình Quốc hội thì tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, từ đó hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 này.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp