Sức ép gia tăng với hàng Việt ở thị trường 'nhà'
Dự án điện khó 'sáng' vì vướng cơ chế / Có 100.000 tỷ đồng, nông nghiệp công nghệ cao vẫn ‘đói vốn’?
Thực tế cho thấy, hàng Việt đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng tốt, được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.
Hàng ngoại ồ ạt vào
Là một DN hoạt động trong ngành hàng thực phẩm dinh dưỡng, ông Nguyễn Đức Minh, Tổng giám đốc công ty Dinh Dưỡng Nutricare, cho biết áp lực cạnh tranh với hàng ngoại hiện nay rất gay gắt. Cùng với quá trình hội nhập, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều, không chỉ dừng ở các thương hiệu lớn có tên tuổi, mà ngay cả sản phẩm của các DN nhỏ, ít tiếng tăm của Mỹ, Úc hay châu Âu... cũng đã tới Việt Nam và bán rất chạy.
Hàng Việt tìm cách nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa. |
Theo đó, để nâng cao sức cạnh tranh, đại diện Nutricare cho biết, đang đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Đi kèm với đó là xây dựng thêm nhà máy để mở rộng sản xuất, từ đó đưa sản phẩm không chỉ phục vụ người dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Hàng ngoại không chỉ dừng ở sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm mà đang len lỏi tới các sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam như đồ gốm sứ, nông sản... Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc công ty CP gốm Chu Đậu, nhìn nhận việc tham gia các hiệp định FTA giúp DN có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhưng song song với đó, hàng Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh trên sân nhà. DN trong nước không chỉ cạnh tranh với DN nước ngoài mà còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nội ngày một gay gắt hơn.
Hiện nay, các sản phẩm gốm của Nhật Bản, Trung Quốc... đã và đang tìm cách chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Trước thực tế này, ông Thức cho biết, gốm Chu Đậu đã có hướng đi cho riêng mình, chuẩn bị tâm thế cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp. Công ty đang có chiến lược cải tiến mở rộng thị trường trong nước thông qua phát triển hệ thống bán hàng qua kênh thương mại điện tử.
Là một đơn vị phân phối, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), cho hay để phục vụ người tiêu dùng trong nước, Hapro cũng đã và đang tận dụng thuận lợi từ các FTA để nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ nhập nhiều container táo từ Pháp về Việt Nam, các loại nông sản thực phẩm từ Hà Lan về thông qua ưu đãi từ Hiệp định EVFTA", bà Hiền chia sẻ.
Theo đại diện Hapro, trong bối cảnh hội nhập, các DN bán lẻ cần tích cực chủ động đổi mới, tạo sự khác biệt, tạo ra năng lực tiên phong để cạnh tranh với DN nước ngoài, thể hiện nét đặc sắc riêng của DN trong nước thông qua nguồn hàng của đặc sản vùng miền phong phú ở trong nước và nguồn hàng nhập khẩu đặc sắc.
Tìm cách tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt
Bên cạnh sự chuẩn bị của các DN sản xuất, thì thẳng thắn mà nói hàng Việt vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao sức cạnh tranh. Nhìn từ điểm yếu của hàng Việt, nhất là mặt hàng nông sản khi phân phối vào hệ thống siêu thị hiện đại, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail Việt Nam nói rằng, đối với nhóm hàng nông sản, lợi thế là rất dễ đưa hàng vào siêu thị nhưng vướng ở chỗ là nhiều khi sản phẩm của hợp tác xã, DN chưa đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận do Nhà nước quy định.
Đối với thực phẩm chế biến, một số DN Việt Nam còn vướng ở vấn đề hồ sơ công bố chất lượng, quy tắc dán nhãn. Hơn nữa, DN vẫn đang tập trung vào quá nhiều nhóm ngành hàng như trà, cà phê, hạt điều... Trong khi siêu thị còn cần nhiều mặt hàng khác. Do đó, DN cần đa dạng sản xuất các danh mục mặt hàng, cách đóng gói, bao bì và nhãn mác.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, vừa qua, các chương trình kết nối cung - cầu vẫn đang tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phân phối hàng Việt vào 8.500 chợ truyền thống, 1.500 cửa hàng tạp hóa trên cả nước.
Đặc biệt, kết nối không chỉ hàng hoá đến người tiêu dùng, mà còn kết nối để có chuỗi liên kết hàng hóa cạnh tranh được với hàng nhập ngoại. Đó là kết nối của những DN sản xuất ra nhóm hàng hoá thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ hay dịch vụ hỗ trợ khác.
Theo đó, các Sở Công Thương có thể "bắt tay nhau" để tạo ra mạng lưới các hệ thống logistics để chi phí vận chuyển hàng hóa tiêu thụ nội địa cạnh tranh với giá rẻ hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cho biết các chương trình kết nối tiêu thụ hàng Việt sẽ được triển khai ở nhiều phân khúc như hàng hóa đặc sản, cao cấp dùng để cạnh tranh với hàng nhập khẩu đang ồ ạt vào Việt Nam. Hay triển khai các chương trình kết nối cho phân khúc hàng hóa bình dân, các chương trình bình ổn thị trường...
Tuy vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thị trường luôn quyết định sản xuất. DN cần phải nắm bắt nhu cầu của người dùng về sản phẩm, mẫu mã, bao bì. DN cần tiếp cận nhiều với các Sở Công Thương để tìm hiểu về nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhận tư vấn về phân khúc tốt nhất để tham gia.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi các Hiệp định FTA có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh