Dự án điện khó 'sáng' vì vướng cơ chế
Thâm hụt thương mại lần đầu sau 6 tháng liên tục thặng dư / Nuôi những con 'nghe đã ghê' mang lại nguồn thu 'khủng' cho nông dân
Để Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp cho rằng cần phải nhanh chóng ban hành những chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá.
Nhà đầu tư than khó
Thời gian qua, CTCP Tập đoàn Tín Thành quyết định tập trung và đi sâu phát triển lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Công ty băn khoăn nhất là chính sách vẫn tồn tại nhiều quy định bất hợp lý.
Nhiều dự án điện chậm tiến độ vì vướng thủ tục hành chính. |
Ông Quyềncho biết, hiện nay sản xuất 1 MW điện sinh khối hay điện gió, doanh nghiệp phải đi tới hàng chục bộ ngành để xin phép, với nhiều thủ tục phiền hà, nhiêu khê.
Theo Chủ tịch CTCP Tập đoàn Tín Thành, nếu như có chính sách hỗ trợ rõ ràng và nghiêm túc nghiên cứu để phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo từ cây cao lương thì nền nông nghiệp năng lượng của Việt Nam sẽ tạo ra hàng nghìn MW điện, nhiều việc làm ổn định.
Tương tự, ông Đặng Trung Kiên - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Trường Thành đánh giá, vấn đề giá điện mặt trời đã trải qua hơn một năm nhưng vẫn chưa ra được phương án đấu thầu cụ thể để xác định giá bán điện mặt trời như thế nào, khiến cho toàn bộ các dự án nhà máy điện mặt trời đang được phát triển phải dừng lại để chờ đợi.
Hoặc sự bất hợp lý trong việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với các dự án điện gió trên biển đã được nhiều doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng ở địa phương kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét lại, nhưng cho đến nay vẫn chờ đợi.
Còn theo ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Công ty Halcom Việt Nam, hợp đồng mua bán điện có điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền từ chối mua bán điện khi lưới điện không truyền tải được. Điều này khiến dự án khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư lo sợ rủi ro.
Thực tế cho thấy, việc các dự án năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh trong thời gian vừa qua đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, nguyên nhân chính là quy hoạch và phát triển hệ thống truyền tải chưa đồng bộ và theo kịp với tốc độ phát triển của các dự án nguồn năng lượng tái tạo. Điều này làm giảm khả năng cung cấp nguồn điện, giảm lòng tin và động lực của các nhà đầu tư. Đây là một vấn đề cần phải tháo gỡ.
Đáng chú ý, không chỉ các doanh nghiệp tư nhân gặp khó, mà ngay chính EVN cũng đang gặp phải tình trạng này. Giai đoạn 2016 - 2030, EVN được giao đầu tư 25 dự án nguồn điện với tổng công suất là 17.068 MW, trong đó kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 phải hoàn thành 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.100 MW và khởi công 8 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.540 MW.
Mặc dù đến nay, 12 dự án nguồn điện đã cơ bản hoàn thành được 99,9% khối lượng công việc, nhưng vẫn còn các dự án chưa được khởi công như nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Ô Môn III, Ô Môn IV và các dự án thủy điện mở rộng như Ialy, Trị An...
Cần cơ chế đột phá
Theo đại diện của EVN, cùng với những vướng mắc về vốn là cơ chế chính sách còn hạn chế. Thực tế, thời gian hoàn thành thủ tục để được các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chủ trương đầu tư kéo dài, với yêu cầu khắt khe, việc cấp giấy phép môi trường cho từng loại hình có nhiều nội dung chồng chéo. Ngoài ra là những khó khăn trong chính sách bồi thường, hỗ trợ, quản lý và sử dụng đất đai, thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ NN&PTNT và các đơn vị giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan chuyển đổi đất rừng để đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư các dự án điện. Các bộ ngành kịp thời chỉ đạo các địa phương trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án.
"Chúng tôi vừa làm vừa ngóng cơ chế - cứ mong, cứ xin, cứ trông cậy nhưng vẫn phải làm", ông Trần Đình Quyền chia sẻ. Theo đó, doanh nghiệp này đang nỗ lực để hoàn thiện công nghệ, phát triển năng lượng gắn với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp bày tỏ kiến nghị Chính phủ, các cấp ban ngành xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cả về khung pháp lý lẫn chính sách tài chính để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể thuận lợi trong việc triển khai các mục tiêu, chiến lược hoạt động của mình.
Cùng với đó, đại diện CTCP Tập đoàn Trường Thành cũng đề nghị cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương quan tâm lắng nghe hơn nữa, thấu hiểu hơn các kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sớm nghiên cứu, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng đảm bảo tiến độ dự án tới năm 2030, cần tập trung giải quyết bài toán vốn, trong đó sớm có hướng dẫn thực hiện đầu tư dự án theo hình thức công tư, các quy định về chia sẻ rủi ro trong hợp đồng mua bán điện. Gắn với đó là việc giải quyết các cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, đấu thầu... hiện còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa các luật, đặc biệt cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang triển khai và bị chậm tiến độ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam