Cần đẩy mạnh, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chuyển đổi số: Đòn bẩy thay đổi tương lai ngành ngân hàng / 5 triệu USD hỗ trợ phát triển ngân hàng số Việt Nam
Bám sát khó khăn của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp
Nhìn lại bức tranh của ngành ngân hàng năm 2023 có thể thấy, đây là năm mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khá "vất vả" khi phải liên tục đưa ra những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là giải pháp giảm lãi suất.
Cụ thể, từ cuối quý I và liên tiếp các quý còn lại trong năm, NHNN đều phải ra thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để kéo giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho các NH là 11% và đặt mục tiêu TTTD cả năm tăng 14-15%.
Đặc biệt là tiếp tục giảm lãi suất điều hành và duy trì cho đến nay. Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản cũng được triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn. Dòng vốn tín dụng chưa được khơi thông như kỳ vọng, đặc biệt là lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn như bất động sản.
Trước chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng thấp hơn lãi suất USD khoảng 5%, tạo áp lực lên tỷ giá, NHNN phải nối lại hoạt động phát hành tín phiếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản thị trường.
Cùng với đó, NHNN phải chủ động bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có dư nợ tín dụng đạt 80% room tín dụng đã được cấp, dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022 để thúc đẩy tín dụng.
Đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt khoảng 13,5%. Tuy nhiên, có thể thấy, sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp. Nhiều khúc mắc của ngành ngân hàng vẫn tồn tại, giải pháp liên tục giảm lãi suất điều hành và triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ đã không được như kỳ vọng. Các ngân hàng vẫn “ngồi trên đống tiền”, trong khi, doanh nghiệp và người dân tiếp tục “khát” vốn.
Cần đẩy mạnh, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương mở rộng, đẩy mạnh và phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể đồng hành cùng ngân hàng.
Đồng thời, bảo lãnh cho các doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng để có thể phát triển đồng bộ, hỗ trợ giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp. Tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần cơ cấu và xác định lại nguồn lực cũng như huy động vốn, trang thiết bị công nghệ, đặc biệt là trang thiết bị bảo đảm đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Qua đó, ngành ngân hàng sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp để được tiếp cận những nguồn tài chính xanh mà NHNN và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đang cung cấp.
Theo ông Hùng, ngành ngân hàng cũng đang hướng tới việc kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung luật, trong đó mở rộng hình thức bao thanh toán nhằm tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ năng lực về sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, giải pháp mua lại và phát hành mới trái phiếu là hướng đi giúp giải quyết được nhiều vấn đề của các ngân hàng hiện nay.
Dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận 273.868 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng là nhóm có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 138.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% so với tổng giá trị phát hành toàn thị trường.
Đặc biệt, các ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh phát hành TPDN trong thời điểm cuối năm 2023. Từ đầu tháng 12 đến ngày 22/12/2023, nhóm ngân hàng đã phát hành riêng lẻ với giá trị lên đến 13.281 tỷ đồng, chiếm 79% giá trị phát hành trong tháng.
Nhóm ngân hàng vẫn là “đốm lửa sáng” trên bức tranh “ảm đạm” của thị trường TPDN năm 2023. Các chuyên gia kinh tế nhận định, các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu là một kế hoạch tài chính khả thi, khi số tiền gửi hiện tại quá nhiều nhưng ngân hàng không cho vay được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo