Tài chính - ngân hàng

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ để cho thuê tài chính an toàn

DNVN - Khuyến nghị tại hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam”, sáng 17/7, ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST cho rằng: Cần xây dựng hành lang pháp lý thống nhất, chặt chẽ cho các công ty cho thuê tài chính thực hiện an toàn, hiệu quả.

Nợ xấu tại các công ty cho thuê tài chính lên tới 43% / Ba án tử hình vụ tham ô tại Công ty cho thuê tài chính II

Theo Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung dài hạn nhiều ưu điểm đối với các doanh nghiệp và hộ dân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Hiện nay, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cho thuê tài chính đã ngày một được hoàn thiện, gồm: Luật các tổ chức tín dụng (từ điều 112 đến điều 116), Nghị định 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014, các thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản trị điều hành, kiểm soát và về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động.

Trên thị trường hiện có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam nhưng dư nợ cung cấp cho khách hàng dư nợ đối với nền kinh tế đạt gần 40 ngàn tỷ đồng (tổng hợp từ 8/10 công ty cho thuê tài chính).

Chất lượng tín dụng luôn được bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức trên dưới 1%. Khi đi thuê tài chính các doanh nghiệp, hộ dân không phải thế chấp tài sản, giá trị đi thuê có thể lên tới 100% giá trị tài sản.

Hàng ngàn khách hàng được hỗ trợ vốn để đầu tư tài sản là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó một số công ty cho thuê tài chính còn cho vay bổ sung vốn lưu động đối với khách hàng thuê tài chính.

Các đại biểu tham dựhội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê Tài chính ở Việt Nam”. Ảnh: Hà Anh.

Tuy nhiên, quy mô dư nợ cho thuê tài chính hiện còn rất thấp, chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại.

Số lượng công ty cho thuê tài chính còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp. Doanh nghiệp và người dân biết đến kênh cho thuê tài chính còn ít...

Khuyến nghị tại hội thảo, ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST cho rằng cần rà soát, sửa đổi các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo nhất quán giữa các luật, nghị định, thông tư cũng như các quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính, hoạt động của các công ty cho thuê tài chính.

Để cho thuê tài chính an toàn cần hành lang pháp lý chặt chẽ.

“Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan chủ quản, phối hợp với các cơ quan chức năng khác (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Công Thương…) nhằm xây dựng hành lang pháp lý thống nhất và chặt chẽ. Qua đó, làm cơ sở cho các công ty cho thuê tài chính thực hiện nghiệp vụ một cách an toàn, hiệu quả”, ông Sơn nói.

Cụ thể, cần rà soát Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP ngày 10/12/2007 và đưa vào các chế tài đối với việc xử lý tài sản thuê tài chính tương đương hoặc cao hơn cả tài sản đảm bảo.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế giá trị gia tăng và các loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính.

“Cần có các chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính thông qua việc khuyến khích sử dụng dịch vụ/ tài sản thuê tài chính. Đồng thời, tăng cường truyền thông, phổ biến về dịch vụ thuê tài chính đến thị trường”, ông Sơn khuyến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm